Để thích ứng với địa thế bất lợi và tạo nên một công trình trường mầm non ấn tượng, thiết kế hình khối trường mầm non Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tạo được tổ chức theo ý tưởng giọt sương mai, với các khối công liền lạc, trong đó, mỗi lớp học như là một giọt sương. Với vai trò rất quan trọng – là môi trường để cô giáo và các bé sinh hoạt, học tập phần lớn thời gian hàng ngày, từ những ý niệm thiết kế, các kiến trúc sư của Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam cũng đã đề xuất ý tưởng thiết kế các lớp học “không góc cạnh”, được xem là khác biệt, đóng góp cho việc đổi mới toàn diện cách dậy và học của học sinh bậc học mầm non.
Hình khối bên ngoài công trình ấn tượng và hiện đại với nhiều đường cong mềm mại
Hiện nay, việc đổi mới chương trình giáo dục các bậc học trong đó bao gồm bậc học mầm non của tp Hà Nội, đặc biệt là tại quận Cầu Giấy đang rất được chú trọng. Một trong những trọng tâm của đổi mới trong phương pháp dậy và học chính là “Lấy học sinh làm trung tâm”. Với trẻ em bậc học mầm non thì khẩu hiệu lớn chính là: “Để trẻ em mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Để đạt được điều này, bên cạnh các không gian phụ trợ như sân chơi, thư viện, nhà thể chất… thì không gian lớp học cũng rất cần đổi mới phù hợp theo các triết lý giáo dục mới.
Dựa trên nhu cầu thực tiễn và kinh nghiệm thiết kế công trình giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhóm thiết kế Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam – đơn vị chủ trì thiết kế dự án đã đề xuất mô hình lớp học không vát cạnh, trong đó, ngoài các không gian phụ trợ khép kín như khu vệ sinh, kho… đều có hình vuông đạt chuẩn tối ưu thì không gian sinh hoạt chung trung tâm được thiết kế theo mô hình “không góc cạnh”. Theo các nghiên cứu về nguyên lý thiết kế tổ chức tạo hình không gian, hình tròn hay các hình vát cạnh được xem là có xu thế thu hút sự tập trung của mọi người vào khu vực trung tâm. Với bậc học mầm non, khi mà các hoạt động học tập chủ yếu bao gồm các hình thức hoạt động vui chơi tập thể, tương tác nhóm giữa cô và trò, một thiết kế lớp học “không vát cạnh: hướng vào khu vực trung tâm có thể xem là tối ưu trong việc bố trí đồ dùng dậy học và tổ chức các hoạt động học tập đa dạng cuốn hút. Trong không gian này, các tủ đồ dùng khép kín, nhiều màu sắc lung linh, bắt mắt, cũng được nghiên cứu bố trí quanh phòng đảm bảo tiện nghi sử dụng tối đa. Việc thiết kế các không gian lớp học không góc cạnh cũng đồng thời đảm bảo an toàn tối đa, hạn chế các tai nạn thương tích cho học sinh khi vui đùa trong lớp.
Sơ đồ tổ chức không gian lớp học
Mặt bằng lớp học theo ý tưởng tổ chức “không góc canh”
Phối cảnh nội thất lớp học
Cùng không gian sinh hoạt chung, không gian khu vệ sinh khép kín trong mỗi lớp học cũng là những thiết kế rất đặc biệt với tiêu chuẩn diện tích và tiện nghi rất cao. Các khu vệ sinh này cũng được thiết kế tối ưu về thông gió và chiếu sáng tự nhiên, với đầy đủ trang thiết bị theo tâm sinh lý lứa tuổi, khắc phục tối đa các nhược điểm thiếu tiện nghi – mất vệ sinh, vốn thường xuyên xảy ra trong các trường công lập, đã từng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em./.
Ý tưởng thiết kế, tổ chức không gian vện sinh tiêu chuẩn cao và các không gian phụ trợ khép kín khác
(Hoàng Phương)