BỐ TRÍ TỔNG MẶT BẰNG TỐI ƯU TRƯỜNG MẦM NON NGHĨA ĐÔ HÀ NỘI HIỆN ĐẠI &TIỆN ÍCH (28/04/2021)

Xây dựng công trình trường học mầm non trên vị trí lô đất cực kỳ bất lợi, hình dáng “méo mó” và nhiều góc chết,đạt được các tiêu chí sinh thái, tiện ích luôn là một thách thức lớn đối với các kiến trúc sư. Với trường hợp Trường mầm non Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ. Tuy nhiên, thông qua việc nghiên cứu phân tích đánh giá hiện trạng một cách khoa học các yếu tố đặc thù về giao thông và tự nhiên, phương án tổ chức tổng mặt bằng ngôi trường mầm non Nghĩa Đô do các kiến trúc sư Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam đã đạt được cả tính tiện nghi và bền vững.

 Tổng thể khuôn viên khu đất với công trình điểm nhấn trung tâm và nhiều không gian sân chơi thú vị

Công trình trường mầm non Nghĩa Đô được xây dựng trong khu vực dân cư hiện hữu “khô cứng” và đông đúc của phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), thiếu các tiện nghi vui chơi cho trẻ em lứa tuổi mầm non, hệ thống đường giao thông vuông vức, hạn chế với nhiều ngõ ngách. Dù có tổng diện tích khuôn viên xấp xỉ 5500 m2, nhưng khu đất xây dựng có hình dáng rất bất lợi, không vuông vức mà cực kỳ “vẹo vọ và méo mó”, với nhiều góc tam giác. Nghiên cứu phân tích đánh giá hiện trạng cũng cho thấy, hướng gió Đông Nam là hướng tốt nhưng ở phía lưng và bên cạnh sau của khu đất. Trong khi đó, hướng tiếp cận từ đường giao thông chính ở phía Đông Bắc, là khoảng “đất lồi và vẹo” phía ngoài.

Sơ đồ phân tích hiện trạng và tổ chức tổng mặt bằng công trình tối ưu về tiện ích và thông gió, chiếu sáng tự nhiên

Dù vậy, các kiến trúc sư của Sunjin Việt Nam vẫn lựa chọn cùng lúc nhiều tiêu chí cho phương án thiết kế hướng đến: (1) Tạo dựng một ngôi trường mầm non đạt chuẩn giáo dục hiện đại – phù hợp với tâm sinh lý học sinh bậc học mầm non, có mức tiện nghi dạy và học cao, phù hợp với các tiêu chí kiến trúc xanh – bền vững; (2) Đồng thời, công trình cũng trở thành một “ốc đảo xanh”, một điểm nhấn kiến trúc sinh thái, đồng thời đóng góp gia tăng diện tích không gian xanh, không gian công cộng và sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư cũ – chật hẹp và đông đúc.

Với tiêu chí đổi mới giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm”, để đạt được mật độ xây dựng tối ưu xấp xỉ 41%, hạn chế các bất lợi của khu đất, quy hoạch tổng mặt bằng công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh giọt sương ban mai – tinh khiết và trong lành như tâm hồn trẻ thơ để quy hoạch tổ chức 03 khối phòng học cao 04 tầng với 27 lớp học dành các lứa tuổi và 1 khối hiệu bộ & phụ trợ bao gồm; hội trường đa năng, phòng bếp – chia soạn, phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật… Các khối phòng học đều được ưu tiên bố trí ở khu vực trung tâm khu đất, quây xung quanh một sân trung tâm, dù có sự ngẫu hứng tự do nhưng lại có thể cho phép tối ưu về thông gió và chiếu sáng tự nhiên, đón gió tốt hướng nam và đông nam. Dù sử dụng hệ kết cấu BTCT chính vuông ô cờ tối ưu và kinh tế, nhưng sau khi hoàn thiện, các không gian phòng học đều được thiết kế với các mép cạnh vát cong cho phép loại bỏ hoàn toàn các góc chết tam giác trên khu đất, đồng thời công trình cũng đạt được nét ấn tượng ngoạn mục.

Đặc biệt, do thiết kế tổng mặt bằng tối ưu được địa thế hình dáng bất lợi của khu đất xây dựng nên đây là ngôi trường mầm non độc đáo có đa dạng các loại hình sân chơi khác nhau phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi mầm non. Ngoài 01 sân tập trung ở khu vực trung tâm, có sự yên tĩnh tuyệt đối do được bao bọc bởi các khối công trình, đóng vai trò như sân chào cờ, có nhiều thiết bị vui chơi và cây xanh trang trí sống động, còn là nhiều khoảng sân nhỏ chạy dọc theo lớp không gian bao quanh phía ngoài khuôn viên, được tạo nên từ nhiều các góc sân theo thế đất không vuông vức, có thể được thiết kế các thể hóa bổ sung với nhiều loại hình vui chơi, học tập, thư giãn, khám phá theo các lứa tuổi và sở thích hoạt động vui chơi, khám phá, thư giãn. Các khoảng mở giữa các khối elip được quy hoạch tổ chức để tạo nên các tuyến lưu thông kết nối, giúp trẻ tận hưởng được đa dạng các loại hình hoạt động của cả các không gian bên trong và bên ngoài công trình.

Sân chơi yên tĩnh khu vực trung tâm bên trong và các tuyến kết nối với các không gian sân chơi, không gian mở bên ngoài

 Thiết bị và hạng mục phụ trợ sân phái trước và sân trung tâm

Cùng với đó, khu vực cổng chính thuộc “dẻo đất” phía ngoài sát đường giao được quy hoạch khu vực vịnh đón của phụ huynh, giúp đảm bảo an ninh đồng thời hạn chế tối đa việc cản trở gây ùn tắc giao thông trong các giờ cao điểm, đồng thời cũng là khoảng sân rộng, kết nối liên hoàn với sân trung tâm thông qua giải pháp thiết kế tổ chức trống tầng phần mặt tiền công trình.

Theo KTS. Trịnh Trung Hiếu – Chủ trì thiết kế kỹ thuật, công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam: “Do được thiết kế tối ưu hóa về tổ chức mặt bằng tổng thể, nên công trình trường mầm non Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi hoàn thành sẽ không chỉ là một ngôi trường hiện đại, tiện nghi, đạt chuẩn giáo dục, mà còn là một không gian xanh – nơi vui chơi, khám phá, học tập thú vị cho học sinh bậc học mầm non, cũng như gia tăng các yếu tố sinh thái cho cộng đồng dân cư.

(Hoàng Phương ghi)