NHỮNG KHÔNG GIAN SÂN CHƠI VÀ VẬN ĐỘNG THỂ CHẤT “ĐỘC ĐÁO” TRƯỜNG MẦM NON NGHĨA ĐÔ HÀ NỘI (07/05/2021)

Theo các định hướng đổi mới giáo dục tại Việt Nam, tiệm cận với trình độ và phương pháp giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới như MONTESSORY, STEM… cùng với không gian lớp học, các không gian sân chơi và hoạt động thể chất đóng vai trò rất quan trọng.  Với tổng mức đầu tư lên tới gần 161 tỷ đồng, trong quý 2/2021, công trình trường mầm non Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam là đơn vị chủ trì thiết kế sẽ chính thức được khởi công xây dựng. Một trong những ưu thế đóng góp cho việc đổi mới chất lượng dậy và học của Trường mầm non Nghĩa Đô chính là bao gồm nhiều không gian sân chơi và hoạt động thể chất độc đáo, đa dạng.

Lối vào tầng hầm phía trước và các không gian vui chơi bên ngoài công trình 

Trước hết, ở khu vực tầng trệt, do địa thế khuôn viên khu đất xây dựng có nhiều bất lợi, hình dạng “méo mó” không vuông vức nhưng thông qua giải pháp thiết kế đặc biệt, tổ chức không gian hầm là nơi để xe, ưu tiên dành các diện tích đất cho không gian sân chơi và cảnh quan nên bên cạnh một khu sân chơi – sân tập trung ở trung tâm với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi, đảm bảo an toàn và yên tĩnh tuyệt đối cho học sinh, còn là nhiều sân chơi – khu tiểu cảnh nhỏ được bố trí ở khu vực lối vào cũng như rải rác tại các góc cạnh méo xung quanh. Do thiết kế tổ chức mặt bằng tầng trệt tận dụng có hiệu quả các góc cạnh bất lợi nên dù các không gian sân chơi nhỏ này có hình dáng ngẫu hứng nhưng là nhiều góc riêng để học sinh có thể lựa chọn vui chơi theo nhiều hình thức vận động – khám phá tự nhiên, cũng như theo các nhóm lứa tuổi khác nhau. Điều này giúp học sinh có thể phát triển tối đa tư duy và năng lực bản thân theo khả năng và sở thích.

Cùng với đó, có một phần diện tích đáng kể không gian tầng trệt được tổ chức theo mô hình trống tầng cho phép kết nối đồng bộ không gian sân tập trung trung tâm với các sân chơi nhỏ. Đồng thời, với hệ thống trang thiết bị – đồ chơi trong nhà đồng bộ, không gian này cũng đóng vai trò như khu vực sân chơi có mái che – tiện nghi và an toàn cho học sinh trong những khi thời tiết bất lợi, đặc biệt là lúc chờ phụ huynh đưa đón khi tan học.

Phối cảnh thiết kế không gian sân tập trung trung tâm, và khu vực chơi có mái che tầng trệt

Tại các tầng lớp học phía trên, dù có diện tích xây dựng rất “hạn chế” , nhưng thiết kế tổ chức không gian theo mô hình “giọt sương mai” đã sử dụng các cấu trúc hành lang uốn lượn, vừa đóng vai trò là không gian giao thông kết nối theo chiều ngang chính, đồng thời cũng đóng vai trò là không gian vui chơi, khám phá, giao lưu của học sinh. Với triết lý giáo dục mới “Lấy học sinh làm trung tâm & học thầy không tày học bạn”, điểm độc đáo trong thiết kế hệ hành lang của các kiến trúc sư Sunjin Việt Nam là sử dụng giải pháp kiến trúc mở, có hệ lan can an toàn tiêu chuẩn, có hệ thống lam chắn nắng đầy mầu sắc, được lắp đặt một số đồ dùng vui chơi vận động thể chất, cho phép trẻ em các bậc học có thể vui chơi thoải mái, an toàn, tiện nghi vào nhiều thời điểm trong ngày, trong mọi tình huống thời tiết. Với không gian này, trẻ em ở các lớp có thể cùng chơi, khám phá, hoạt động thể chất, giao lưu học hỏi với nhau một cách sống động và thú vị bởi các chất xúc tác là không gian, mầu sắc, ánh sáng, được thiết kế thêm vào.

Phối cảnh thiết kế không gian vui chơi giao lưu, hoạt động thể chất trên hành lang các tầng

Cùng với đó, theo xu hướng tổ chức công trình xanh – sinh thái “Đưa mầu xanh lên tầng cao”, các tầng tum và tầng mái của công trình cũng được nghiên cứu thiết kế hệ thống vườn xanh. Dự kiến, đây sẽ là các khu vườn sinh vật theo chuyên đề, sử dụng các công nghệ giám sát, chăm sóc cây xanh tự động hóa sẽ  phục vụ rất tốc cho việc học tập cũng như vui chơi khám phá tự nhiên của học sinh./.

Sơ đồ mặt bằng các tầng điển hình