Kiến trúc xanh, sinh thái bền vững, tiết kiệm năng lượng đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong những năm gần đây, các thể nghiệm về kiến trúc nhà ở đã có một số kiến trúc sư thực nghiệm triển khai nhưng với riêng hạng mục công trình trường học mầm non tại trong đô thị, sử dụng vốn ngân sách là không nhiều. Với thiết kế Trường học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) do công ty Liên doanh Sunjin Việt chủ trì thiết kế, thông qua một thiết kế hợp lý, các yếu tố kiến trúc xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng đã được truyền tải mang đến hiệu quả sử dụng nhiều mặt.
Các không gian trống tầng đóng vài trò tạo luồng khí mát đối lưu tại khu vực giếng trời sân trong
Về yếu tố kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng, dù có địa thế bất lợi, trên bình diện tổng thể, trên cơ sở nghiên cứu xác định rõ các điều kiện tự nhiên về hướng gió và nắng chủ đạo theo mùa, khối công trình trung tâm được tổ chức theo các 3 diện lớn, để quay các góc nhọn về các hướng nắng bất lợi, cũng như đón gió mát. Cùng với đó, theo nguyên tắc tổ chức luồng khí đối lưu, với kiến trúc các khối cao tầng quây quanh sân trung tâm với hệ thống các cửa mở trống tầng ở khu vực lối vào chính và các mặt bên hông sẽ tạo ra dòng khí mát luân chuyển mạnh mẽ trong khu “giếng trời” một cách tự nhiên và hiệu quả, từ đó phân bố lan tỏa khí mát ra tận các phòng chức năng đặc biệt là khối phòng lớp học, phòng hiệu bộ và phụ trợ chính. Để hạn chế bức xạ mặt trời trực tiếp, gây bất lợi về chiếu sáng cũng như gia tăng chi phi năng lượng cho làm mát, mặt tiền công trình tại một số vị trí nhất định cũng được nghiên cứu bố trí sử dụng hệ thống lam chắn nắng nhôm công nghệ cao. Cùng với mầu sắc công nghệ sơn tĩnh điện Nhật Bản bắt mắt, hệ lam chắn nắng còn rất phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, gia tăng sự bền vững an toàn cho công trình.
Không gian giếng trời khu vực sân trung tâm
Với không gian từng lớp học, thiết kế tổ chức không gian cũng chú trọng bố trí hệ thống các cửa đi, cửa sổ, hiên trời và ban công để tối ưu về chiếu sáng tán xạ tư nhiên, hạn chế bức xạ trực tiếp cũng như tối ưu thông gió tự nhiên. Điều này mang lại hiệu quả sử dụng rất tốt đối với các không gian quan trọng trong khu vực lớp học như phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, để thầy và trò có thể tổ chức đa dạng các hình thức dạy và học, cũng như giảm thiểu các chi phí về năng lượng trong chiếu sáng và thông gió.
Tổ chức không gian lớp học với hệ thống cửa và hiên chơi, ban công tối ưu về thông gió chiếu sáng
Để nêu bật yếu tố sinh thái, với mong muốn công tình trường học cũng tham gia đóng vai trò là đảo không gian cây xanh sinh thái trong lòng khu vực dân cư hiện hữu vốn đang thiếu mầu xanh, các không gian cây xanh được tối đa thêm vào trong thiết kế tổ chức không gian tầng trệt, cũng như các tầng trên cao. Thông qua giải pháp thiết kế không gian tầng hầm đạt chuẩn, đóng vai trò là nơi để xe cho cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh, giải pháp trên giúp dành phần lớn không gian tầng trệt làm sân chơi kết hợp cây xanh, đưa mầu xanh mát mắt đến từng góc nhỏ để gia tăng sự vui chơi, thư giãn, khám phá thiên nhiên của học sinh cũng như yếu tố sinh thái cho công trình trường học. Không dừng lại ở đó, theo ý tưởng “đưa mầu xanh lên cao”, tổ chức không gian các tầng trên, đặc biệt là tầng áp mái và tầng mái luôn có sự hiện diện của cây xanh. Trong đó, tầng áp mái và tầng mái được tổ chức thành các khu vực vườn xanh lớn, một mặt giúp gia tăng diện tích cách nhiệt cho tầng mái, mặt khác trở thành những khu vườn thực nghiệm, vườn trải nghiệm, không gian xanh tiểu cảnh sinh thái rất thú vị trong học tập và khám phá với trẻ em bậc học mầm non./.
Sơ đồ tổ chức mặt bằng tối ưu về tổ chức vi khí hậu, chiếu sáng tự nhiên, vườn xanh tầng trệt -tầng cao