Là hiện tượng “không mới”, cùng với tai nạn rơi ngã từ ban công – logia chung cư cao tầng, các tai nạn rơi ngã từ cửa sổ chung cư cũng đang có chiều hướng gia tăng về tần suất và mức độ, đặc biệt lứa tuổi bị rơi ngã thường là trẻ em nhỏ. Vụ tai nạn rơi ngã qua cửa sổ thương tâm từ tầng 24 của bé gái 4 tuổi tại chung cư Xuân Mai Complex (Hà Đông, Hà Nội) ngày 19/04/2021 vừa qua tiếp tục là một lời cảnh báo, cần sớm có các giải pháp hoàn thiện đồng bộ để hạn chế các vụ tai nạn thương tâm trong tương lai.

Đánh giá hiện trạng hiện nay, để đạt được khả năng tối ưu về thông gió và chiếu sáng tự nhiên thông qua vách kính, cửa số, tất cả các chung cư cao tầng tại Việt Nam đều được thiết kế có hệ thống cửa sổ cho hầu hết các phòng chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khiếm khuyết “cơ bản” trong công tác thiết kế, thi công lắp đặt, và sử dụng của các bên chủ thể dẫn đến các tai nạn rơi ngã từ tầng cao chung cư cao tầng thương tâm vẫn thường xuyên xảy ra.

Theo hệ thống quy định pháp luật hiện hành, nhà chung cư phải đáp ứng các quy chuẩn hiện hành: QCVN 05:2008 về an toàn sinh mạng và sức khỏe; QCVN 06: 2019 – Phòng cháy chữa cháy; QCVN 10:2014 – Tiếp cận công trình của người lớn tuổi, người khuyết tật; … rồi các tiêu chuẩn chuyên ngành từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, cơ điện công trình; trước khi vào sử dụng có giám sát, nghiệm thu, rồi hàng năm có báo trì công trình theo quy đinh. Riêng với hạng mục cửa sổ, phải tuân thủ các quy định tại QCXDVN 05:2008/BXD, trong đó việc bố trí ô mở  (phần mở ra ) phải tuân thủ nguyên tắc chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở. Đối với căn hộ không có ban công hoặc lô gia, phải bố trí tối thiểu một cửa sổ ở tường mặt ngoài nhà có kích thước lỗ cửa thông thủy không nhỏ (600×600) mm phục vụ cứu nạn, cứu hộ. Chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4 m. Tại khu vực cửa sổ không được có gờ tường, thanh ngang, khiến người sử dụng có thể trèo lên. Để đảm bảo an toàn cứu hộ, cứu nạn, cửa sổ không được lắp đặt chấn song sắt cứng.

Dưới góc độ trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư và chuyên gia về cung cấp thiết bị cửa sổ có nhiều năm kinh nghiệm với nhiều dự án quy mô lớn – chuẩn chất lượng, để những người mẹ trẻ không còn mất con thơ một cách hy hữu như trường hợp tai nạn xảy ra tại chung cư Xuân Mai Complex vừa qua, các chuyên gia của Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam và Công ty Cổ phần  Euro Windown nhấn mạnh khả năng có thể hạn chế hoàn toàn tai nạn rơi ngã trong chung cư cao tầng, đặc biệt với đối tượng trẻ em thông qua các giải pháp thiết kế và kỹ thuật đồng bộ.

Theo Ths. Kts Nguyễn Thành Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam – đơn vị chủ trì thiết kế nhiều công trình chung cư cao tầng quy mô lớn tại Việt Nam: “Về cơ bản, nếu vận dụng đồng bộ các quy định trong thiết kế và thi công lắp đặt cửa sổ công trình như trên sẽ đảm bảo sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, khi lắp đặt một số loại cửa sổ cho chung cư cao tầng bao gồm: cửa mở trượt, cửa mở hất (đẩy chữ A); cửa mở bản lề, trong đó cửa mở trượt và cửa đẩy chữ A chiếm đa số, do một số “sai sót” nhất định đã dẫn đến việc người sử dụng, nhất là trẻ em đễ bị tai nạn rơi ngã. Tuân thủ các nguyên tắc trong thiết kế và lắp đặt sẽ loại bỏ hoàn toàn các tai nạn rơi ngã trong thời gian tới”.

Nhận định về công năng của các loại cửa trên thị trường, ông Đỗ Minh Thanh – Phó TGĐ Phụ trách Kinh doanh Công ty Cổ phần Eurowindow cho biết: “Đối với các công trình nhà ở cao tầng hay chung cư hiện đại, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên sử dụng cửa quay trong hoặc quay lật; lưu ý lắp thêm hạn vị hạn chế góc mở. Bên cạnh đó, với các công trình có độ cao từ 5 tầng trở lên, theo quy chuẩn cần sử dụng kính an toàn để tránh trường hợp rơi vỡ, không gây sát thương nặng. Trong suốt gần 20 năm phát triển, tất cả các sản phẩm cửa nhôm, cửa uPVC, cửa gỗ của Eurowindow đều được phát triển dựa trên các tiêu chí an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng…”

Để hạn chế các tai nạn thương tâm tại căn hộ, chung cư cao tầng, chủ đầu tư và người tiêu dùng cần lưu ý những quy định sau:

– Về vị trí, quy định bố trí khoảng mở cửa có thể đảm bảo 1,4m, nhưng thiết kế hoặc thi công có bậu xây có thể tạo bậc tỳ để trẻ em, người sử dụng có thể trèo lên. Ở một số quốc gia phát triển như CH Pháp, Mỹ…, cửa sổ chung cư cao tầng được quy định vị trí ô mở phải nằm ở khoảng trên cùng, kích thước chiều cao ô cửa phải nhỏ hơn 45cm.

Một số lỗi sai về kích thước, tầm với và khoảng mở khi lắp đặt cửa sổ chung cư cao tầng

Một số lỗi sai về kích thước lắp đặt cửa và kê đồ có thể dẫn đến các nguy cơ tai nạn rơi ngã cho trẻ em ở chung cư cao tầng

– Về chủng loại, nên có các nghiên cứu cụ thể hạn chế các loại cửa gây bất lợi về tai nạn rơi ngã, cập nhật thêm nhiều hình thức cửa sổ có cánh mở mới, có chất lượng đảm bảo an toàn rất cao. Tại CHLB Nga, Singapore, để hạn chế tai nạn rơi, ngã, các hình thức cửa mở bản lề, cửa cánh trượt hoàn toàn bị cấm khi lắp đặt cho chung cư từ 4 tầng trở lên. Các loại hình cửa cánh lật mở vào trong, cửa mở đa điểm với khoảng mở được khống chế <12 cm cũng được khuyến khích lắp đặt để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ xảy ra tai nạn rơi, ngã.

Cửa chữ A mở vào trong được khuyến khích lắp đặt, hiện đã khá phổ biến với giá thành lắp đặt có xu hướng ngày càng giảm tại Việt Nam (ảnh minh họa: sản phẩm Euro Windown)

– Cữ mở của các cửa sổ chữ A theo quy định phải đảm bảo không lọt vật thể lớn ra ngoài khi thao tác đóng mở và sử dụng. Nhưng thực tế, khi lắp đặt, hồ sơ thiết kế thường ghi chung chung, khâu lắp đặt cũng không được kiểm soát tốt dẫn đến khoảng mở thường là rất lớn (có khi lên tới 20 cm – 30 cm), khiến trẻ em nếu vô ý và nghịch ngợm có thể dễ dàng bị lọt qua.

Quy định về vị trí mở cửa an toàn theo các loại hình mở cửa tại CHLB Nga

– Việc lắp đặt lưới chắn an toàn lắp đặt cho ban công và cửa sổ, đang được các hộ gia đình tự triển khai lắp đặt. Dù trước mắt có thể được xem là một biện pháp bảo đảm an toàn, vì khi có yêu cầu tiếp cận cứu hộ có thể hoàn toàn dễ dàng dùng kìm cắt bỏ nhanh chóng, nhưng hiện vẫn bị vênh so với nhiều quy định hiện hành, đặc biệt là quy định về cứu hộ, cứu nạn (QCVN 06: 2019 – Phòng cháy chữa cháy). Rất cần sớm có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể để có thể sớm cập nhật và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, làm cơ sở cho công tác thiết kế, lắp đặt hạng mục cần thiết này cho công trình nhà ở chung cư cao tầng.

Lưới an toàn đang được cư dân tự lắp, cần sớm có các nghiên cứu cập nhất quy định bổ sung

– Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về bố trí các đồ nội thất, đồ dùng cá nhân trong căn hộ, hạn chế gần khu vực cửa sổ, giảm thiểu điểm tựa để trẻ em trèo – với đến vị trí mở cửa, cũng như dán các cảnh báo nguy hiểm (bằng cả chữ và hình vẽ kích thước phù hợp), tại tất cả các vị trí cửa mở có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn rơi ngã, đặc biệt là các cửa sổ công cộng ở hành lang và sảnh tầng./.