Khu vực Trụ sở TCT Điện lực Hà Nội (đường Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến Nhà máy đèn Bờ Hồ là một địa điểm văn hóa lịch sử, nơi đặt chiếc máy phát điện đầu tiên của thủ đô. Ý tưởng thiết kế cải tạo nhà truyền thống – bảo tàng máy phát điện đầu tiên của điện lực Hà Nội do các kiến trúc sư quốc tế và Việt Nam của công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam thực hiện vừa quan có thể xem là một đề xuất thiết kế công trình điểm nhấn –  bảo tồn “nhân văn” đậm chất văn hóa lịch sử cũng như truyền tải nét kiến trúc đương đại mới cho khu vực trung tâm lịch sử hồ Hoàn Kiếm của thủ đô.

Nhà máy đèn Bờ Hồ được người Pháp xây dựng năm 1892, ngay sát hồ Hoàn Kiếm – tiền thân của TCT Điện lực Hà Nội là một biểu tượng xây dựng của ngành điện lực Thủ đô và Việt Nam. Khi mới xây dựng, Nhà máy đèn Bờ Hồ chỉ có một máy phát điện của hãng Farcot, công suất 250kW và một tổ Boulte Laborière phát điện một chiều, điện áp 240V, công suất 250kW chỉ đủ thắp được 525 bóng đèn cho các phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm và các dinh thự quan lại. Chỉ mãi tới năm năm 1925, khi người Pháp xây dựng Nhà máy điện Yên Phụ, có tổng công suất 22.500kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ Đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ, nhà máy đèn Bờ Hồ mới thôi không còn phát điện mà trở thành  trụ sở hành chính quản trị điện. Với vai trò và vị trí rất quan trọng với sự phát triển của Thủ đô và cả nước, chỉ sau 2 tháng về tiếp quản Hà Nội, dù bận trăm công, nghìn việc, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến Nhà máy đèn Bờ Hồ, thăm hỏi, động viên những người công nhân ngành điện cũng như thăm nơi đặt chiếc máy phát điện đầu tiên. Hiện nay, khu vực này hiện thuộc trong khuôn viên TCT Điện lực Hà Nội – EVNHANOI là đơn vị thành viên của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).

Được giao nghiên cứu thiết kế cải tạo Trụ sở làm việc TCT Điện lực Hà Nội, Nhóm kiến trúc sư của công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam đã có đề xuất cải tạo mang tính nhân văn từ góc độ tiếp cận về văn hóa lịch sử và bảo tồn, trong đó bên cạnh cải tạo đồng bộ các khu nhà làm việc trong khuôn viên còn đề xuất cải tạo phục dựng công trình nhà đặt máy phát trước đây thành không gian Nhà truyền thống – bảo tàng trưng bày mô hình chiếc máy phát điện đầu tiên.

Hình ảnh tư liệu Nhà máy đèn Hà Nội thời Pháp thuộc

 Hình ảnh hiện trạng công trình hiện nay

Khuôn viên khu đất xây dựng nằm trên trục đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đối diện các di tích kiến trúc quan trọng của thủ đô như Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Tượng đài Cảm tử… Với ưu thế vị trí nằm sát cổng chính, dễ dàng tiếp cận với không gian đường bên ngoài, trên cơ sở khảo sát đánh giá hiện trạng, công trình được quy hoạch bảo tồn tại đúng vị trí ban đầu để trở thành điểm nhấn văn hóa “đặc biệt” cho toàn khu và được thiết kế theo ngôn ngữ kiến trúc Tân Cổ Điển có sự kết hợp giữa các kiến trúc Đông Dương thịnh hành giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với ngôn ngữ kiến trúc đương đại cũng như trở thành một điểm tham quan lịch sử cho khu vực hồ Hoàn Kiếm trong tương lai.  Trước tiên, ngôn ngữ Tân Cổ Điển được chắt lọc áp dụng cho phần mái, trán và một phần mặt bên công trình. Cùng với đó, cấu trúc khung thép (mô phỏng theo thức họa tiết Art Deco tiêu biểu) cũng được đề xuất bảo tồn và tái hiện với đầy đủ các chi tiết và chất cảm (như hệ thống bản mã và đinh tán rivet đã từng được sử dụng ở công trình cầu Long Biên nổi tiếng), kết hợp với hệ vách kính khổ lớn cho mặt đứng chính và một phần mặt bên công trình, để có thể trình diễn các không gian nột thất với ánh sáng trang trí và hiện vật mang mầu sắc hiện đại đặc sắc với công chúng.

Sơ đồ vị trí hiện trạng công trình

Góc phối cảnh thiết kế công trình từ trục đường chính

 Phía trong nội thất công trình, bên cạnh các không gian làm việc, tâm điểm chính là không gian truyền thống – trưng bầy hiện vật có chiều cao chiếm toàn bộ chiều cao của công trình. Đây là không gian trung tâm trưng bầy mô hình chiếc máy phát điện cổ – đầu tiên của Hà Nội,  thể hiện rõ ý tưởng trưng bầy các giá trị hiện vật lịch sử trong không gian hiện đại mới. Bên cạnh đó là rất nhiều các không gian giải lao, café  phụ trợ được thiết kế đồng bộ để có thể trở thành một nơi tham quan – trải nghiệm văn hóa lịch sử “rât nhân văn”, thư giãn thú vị cho cộng đồng , đóng góp 1 điểm dừng chân trên tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm TP Hà Nội./.