Quan điểm về đám cháy quán karaoke ở Bình Dương đứng dưới góc nhìn của một đơn vị thiết kế nhiều năm đã va chạm với công tác thiết kế và xin phép Phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, với mong muốn góp phần tránh những thiệt hại thương tâm vừa xảy ra….

Ngay chiều qua 17/9, tôi có xem được đoạn clip trên vnexpress dài 1 phút 30 giây trích xuất từ camera quán karaoke An Phú vào thời điểm xảy ra vụ cháy làm 32 người thiệt mạng. Đáng chú ý, trước thời điểm đám cháy xảy ra, có khoảng 5 phòng của tầng 3 đang hoạt động, trong khi đó tầng 2 không có khách hát hay nhân viên qua lại. Tiếng nhạc vẫn vang lên inh ỏi. Điều khiến tôi không khỏi bất ngờ, đó là tốc độ khói lan ra quá nhanh. Chỉ khoảng 30 giây sau, khói đã bao trùm toàn bộ hành lang tầng 2 mà không hề có còi báo cháy. Điều này thực sự đặt ra câu hỏi về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke hiện nay…

Nguyên nhân dẫn đến đám cháy

Nguyên nhân chính dẫn đến đám cháy là do chập điện trên trần tầng 2 của quán karaoke này. Trong khi đó, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiệt mạng trong các đám cháy chính là việc bị ngạt và nhiễm khí độc. Đối với các không gian kín như quán karaoke, việc hệ thống hút khói không hoạt động hoặc không có hệ thống hút khói cũng là vấn đề dẫn đến việc tỷ lệ thiệt mạng khi có cháy là rất lớn vì khói không được hút đi khỏi các không gian kín. Nên khi đám cháy xảy ra, sẽ cản trở việc thoát ra của các nạn nhân. Nếu hành lang tầng 2 hôm đó có tiếng chuông báo cháy vang lên và hệ thống hút khói… có lẽ những sự việc đáng tiếc như trên đã không xảy ra.

Đặc thù quán karaoke và công tác PCCC

Đặc biệt, đặc thù nội thất các quán Karaoke được bịt kín lắp dựng nội thất liền tường bằng nhiều loại vật liệu cách âm khác nhau, mà đại đa số là những vật liệu bắt cháy, cháy lâu và có khả năng sinh khói cao. Ngoài ra, với hệ thống âm thanh, ánh sáng công suất lớn sẽ có nhiều cáp điện, cáp tín hiệu đi trên trần giả, khiến cho đám cháy lan nhanh hơn. Trong khi đó, số người có mặt tại một số thời điểm cố định trong quán karaoke là rất đông.

Dựa trên những đặc điểm đặc thù như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, nhóm nhà này phải được áp dụng quy định về PCCC cao nhất. Theo quy định hiện nay các cơ sở Kaoraoke có khối tích 1500m3 cao bằng 2 tầng trở lên bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế PCCC mới được phép vận hành sử dụng, tuy nhiên các yêu cầu về lắp đặt các thiết bị PCCC cho dạng nhà này cần phải vận dụng hệ thống QCVN, TCVN về PCCC linh hoạt dựa trên các bài học thảm họa đã xảy ra để hạn chế tối đa sự cố đáng tiếc và thực hiện chuẩn công tác Phòng cháy chữa cháy, cụ thể như sau:

– Áp dụng triệt để yêu cầu lắp đặt hệ thống báo cháy bên trên trần giả theo mục 4.3 và 6.7.2.4.2 TCVN 5738.

– Nên lắp đặt xen kẽ đầu báo khói và đầu báo nhiệt để có cảnh báo sớm bởi đặc thù các cơ sở này là khả năng sinh khói cao

– Bắt buộc lắp đặt hệ thống hút khói hành lang (mặc dù theo QCVN06 chỉ bắt buộc cho nhà 6 tầng trở lên)

– Bắt buộc cửa các phòng trên hành lang thoát nạn phải là cửa chống cháy có giới hạn chịu lửa

– Bắt buộc về cầu thang thoát nạn trong các tòa nhà này phải là cầu thang không nhiễm khói ( theo QCVN06 chỉ áp dụng cho nhà có chiều cao PCCC trên 28m)

– Xem xét áp dụng bắt buộc việc trang bị đầu phun Sprinkler cho hành lang thoát nạn dẫn đến các cầu thang thoát nạn không nhiễm khói.

– Bắt buộc lắp chuông còi báo cháy đến từng phòng hát vì âm thanh tiếng ồn trong các phòng kín này rất cao

𝗤𝘂𝗮𝗻 đ𝗶𝗲̂̉𝗺 𝗰𝘂̉𝗮 𝗞𝗧𝗦. 𝗧𝗿𝗶̣𝗻𝗵 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗛𝗶𝗲̂́𝘂 – 𝗞𝗧𝗦. 𝗧𝗿𝗶̣𝗻𝗵 𝗧𝗿𝘂𝗻𝗴 𝗛𝗶𝗲̂́𝘂 (𝗧𝗿𝘂̛𝗼̛̉𝗻𝗴 𝗽𝗵𝗼̀𝗻𝗴 𝗞𝗶𝗲̂́𝗻 𝘁𝗿𝘂́𝗰 𝟯) 𝘃𝗮̀ 𝗞𝘆̃ 𝘀𝘂̛ 𝗡𝗴𝘂𝘆𝗲̂̃𝗻 𝗠𝗮̣𝗻𝗵 𝗛𝘂̛𝗻𝗴 (𝗣𝗵𝘂̣ 𝘁𝗿𝗮́𝗰𝗵 𝗠𝗘 𝗣𝗵𝗼̀𝗻𝗴 𝗖𝗼̛ đ𝗶𝗲̣̂𝗻) – 𝗴𝗼́𝗽 𝘆́ 𝘁𝘂̛̀ đ𝗼̛𝗻 𝘃𝗶̣ 𝘁𝘂̛ 𝘃𝗮̂́𝗻 𝘁𝗵𝗶𝗲̂́𝘁 𝗸𝗲̂́ 𝗰𝗼̂𝗻𝗴 𝘁𝘆 𝗟𝗶𝗲̂𝗻 𝗱𝗼𝗮𝗻𝗵 𝗦𝘂𝗻𝗷𝗶𝗻 𝗩𝗶𝗲𝘁𝗻𝗮𝗺.

Trước khi phát sinh cháy

Sau khi phát sinh cháy khoảng 30s

Hệ thống hút khói hành lang

Hình ảnh đường ống hút khói được bọc vật liệu có giới hạn chịu lửa EI

Hình ảnh đầu phun và đầu báo cháy