Trong thời gian vừa qua, tình trạng người sử dụng đặc biệt là trẻ nhỏ bị rơi, ngã từ tầng cao chung cư cao tầng qua ban công, loggia và cửa sổ có xu hướng xảy ra ngày càng nghiêm trọng và về mức độ và tần xuất.
Gần đây nhất, vụ bé gái 3 tuổi được cứu sống một cách hy hữu khi rơi ra ngoài và bám cheo leo tại tầng 12 của chung cư của tòa chung cư ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục là một hồi chuông cảnh tỉnh cần sớm có nhiều giải pháp hạn chế.
Theo ý kiến của Kts Lê Văn Hảo – Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam:
“Kinh nghiệm triển khai chủ trì nhiều công trình chung cư cao tầng hiện đại, chất lượng tại Việt Nam của chúng tôi trong thời gian qua, nếu các hồ sơ thiết kế đã được thẩm định kỹ càng thì đều đã cơ bản đạt được các yêu cầu về an toàn sử dụng chung. Việc thời gian qua vẫn thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu là do vấn đề ý thức sử dụng của người dân và một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác. Nếu loại bỏ các vấn đề kỹ thuật thì các vấn đề về ý thức và tâm lý người sử dụng là nguyên nhân chính của các tai nạn rơi, ngã từ căn hộ chung cư cao tầng. Người sử dụng, đặc biệt là trẻ em khi trong tình trạng nghịch ngợm hoặc hoảng loạn (đặc biệt là khi để bị nhốt một mình trong căn hộ) thường có diễn biến tâm lý rất bất thường, mất kiểm soát dễ dẫn đến các tai nạn rơi ngã từ cửa sổ, ban công loggia chung cư cao tầng. Do đó, bên cạnh việc giáo dục nâng cao ý thức của người sử dụng, cần sớm nghiên cứu bổ sung thêm nhiều giải pháp thiết kế an toàn, phòng chống rơi ngã cho chung cư cao tầng.”
Theo quy định của các văn bản pháp luật mới nhất hiện nay, cụ thể như Quy chuẩn xây dựng Việt nam QCXDVN 05:2008/BXD về Nhà ở và công trình công cộng- An toàn sinh mạng và sức khoẻ, đối với công trình nhà ở, chung cư cao tầng, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4m. Ngoài ra, với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang, dễ tạo thành bậc thang để trẻ em trèo, leo. Với cửa sổ có cánh mở thì cánh mở luôn phải cách nền tối thiểu 1,4m, mặt cửa sổ phải phẳng với tường để hạn chế không có gờ ngang khiến trẻ em dễ leo trèo. Để đảm bảo việc cứu hộ cứu nạn trong trường hợp tai nạn và cháy nổ xảy ra, không cho phép lắp thêm lưới sắt, hoa sắt phía trên lan can.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu đánh giá hiện trạng một số các công trình chung cư cao tầng cho thấy, dù có thiết kế kiến trúc đã các căn hộ chung cư hiện nay do thiết kế cải tạo nội thất nên thường bố trí bàn ghế café, kệ giá trồng cây bên ngoài ban công – logia, cũng như bàn học, giường ngủ, kệ đồ tại các vị trí trong buồng sát cửa sổ. Điều này cần có thêm các quy định chặt chẽ hướng dẫn việc bố trí nội thấp hợp lý an toàn cho người sở hữu – sử dụng căn hộ chung cư.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng căn hộ chung cư hiện nay, có một số lượng rất lớn hộ gia đình đã tự lắp đặt hệ thống cáp mềm đảm bảo an toàn tại ban công, logia và cửa sổ. Cơ bản, việc sử dụng loại lưới cáp an toàn này đã phần nào tăng cường độ an toàn, hạn chế việc trẻ em leo trèo, ngã từ ban công, loggia, cửa sổ chung cư và cơ bản phù hợp với các yêu cầu về an toàn cứu hộ cứu nạn phòng cháy chữa cháy do có thể dung kìm hoặc kéo lớn cắt tại mọi thời điểm. Tuy nhiên, hiện nay, việc lắp đặt và sử dụng hệ cáp này hoàn toàn do người dân tự phát. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý chuyên ngành nên sớm bổ sung các quy định hướng dẫn về quy cách lắp đặt, chủng loại vật liệu, độ bền an toàn cần thiết… để phù hợp với yêu cầu thực tế sử dụng hiện nay”./.