Kts Trần Nguyễn Quảng, Tổng giám đốc, Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam
TỔ CHỨC CÂY XANH TRÊN MÁI CÔNG TRÌNH TRƯỜNG HỌC, XU HƯỚNG THIẾT KẾ KHÔNG THỂ BỎ QUA
Đánh giá chung, tổ chức cây xanh trên mái công trình nói chung đặc biệt là công trình trường học trong các đô thị mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các chuyên gia quốc tế đã đánh giá, phát triển cây xanh trên mái công trình đô thị sẽ góp phần giải tỏa “nỗi thèm khát về không gian xanh công cộng” trong bối cảnh các đô thị đang trong thời kỳ đô thị hóa và phát triển công trình cao tầng mạnh mẽ. Tổ chức Y tế thế giới từng xuất bản một công trình dài khẳng định các không gian xanh công cộng (dù trên mặt đất hay trên mái công trình) nếu có chất lượng và an toàn, dễ tiếp cận mang lại nhiều lợi ích về tâm lý và thể chất cho con người, đồng thời làm các đô thị bớt nóng bức, cải thiện chất lượng không khí, tiếng ồn… Các chuyên gia Singapore đã chứng minh, đưa cây xanh lên tầng cao là giải pháp hiệu quả nhất làm tăng hệ số diện tích cây xanh cho đô thị để tạo dựng môi trường sinh thái bền vững trong bổi cảnh diện tích đất đô thị luôn bị hạn chế.
Xu hướng thiết kế “Xanh hóa” (Biophilic) trong các trường học đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Việc tổ chức không gian xanh và không gian xanh trên mái cho thấy nhiều kết quả tích cực rất đáng kể bao gồm:
- Tham gia bổ sung không gian xanh công cộng cho đô thị.
- Tạo nên vẻ đẹp và tính nhận diện, nét riêng cho công trình trường học.
- Góp phần tạo dựng cảnh quan sinh thái cho tổng thể khu vực đô thị, cũng như cho bản thân môi trường không gian giáo duc, học tập vui chơi của trường.
- Nâng cao khả năng học tập của học sinh thông qua việc tăng cường sự vận động thể chất, khả năng khám phá học tập và tìm hiểu cây xanh thiên nhiên.
- Giúp giảm bức xạ nhiệt trên mái, điều hòa vi khí hậu, góp phần tạo dựng không gian trường học tiết kiệm năng lượng và bền vững thân thiện với môi trường.
Kết quả nghiên cứu của Đại học kiến trúc Carnegie Mellon đã chỉ rõ các lớp học sử dụng ánh sáng tự nhiên phong phú, có 20 – 26% học sinh đạt kết quả kiểm tra cao hơn; với những lớp học có trang trí nhiều loại thực vật, kết quả các môn chính tả, toán và khoa học cũng được cải thiện 10 – 14%. Năm 2015, nghiên cứu của Đại học Salford (Anh) nhấn mạnh rằng sự khác biệt về yếu tố vật lý trong lớp học (chất lượng không khí, màu sắc và ánh sáng) giúp nâng cao kết quả học tập ở học sinh tiểu học 16% mỗi năm. Theo nghiên cứu của Nhà môi trường học Gregory H. Kats và Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (US.Green Building Council, viết tắt là USGBC) ở nhiều trường học khắp nước Mỹ trong những năm từ 2001 đến 2006, khuôn viên học đường nhiều mảng xanh và thân thiện với môi trường (đặc biệt là cây xanh trên mái và tầng cao của công trình trường học) sẽ giúp học sinh cải thiện sức khỏe, giảm số lượng ngày nghỉ bệnh, tăng cường điểm số tốt, đồng thời, phát triển tinh thần minh mẫn cùng cảm xúc tích cực cho học sinh lẫn giáo viên.
Thiết kế mái dốc xanh tại đại học Nanyang (Singapore) và khu vườn thực hành trên mái trường trung học tại Vương Quốc Anh
Khu vườn rộng 7000 m2 trên mái trường học Thammasat tại Rangsit (Pathum Thani, Thái Lan) được mệnh danh là khu vườn xanh trên mái công trình trường học lớn nhất châu Á.
Nổi bật về xu hướng “xanh hóa” trường học ở Mỹ chính là các dự án về trồng cây và rau trên mái và trong nhà của Nhà giáo Stephen Ritz. Bắt đầu từ một trường trung học nhỏ ở South Bronx, thành phố New York. Thầy cùng với các em học sinh sáng tạo nên “Bức tường ăn được” (Edible Wall) đầu tiên và hệ thống này đã lan rộng nhanh chóng khắp nước Mỹ. Hiện nay, Tổ chức Green Box Machine – Dự án xanh đang thực hiện nhân rộng mô hình này để hỗ trợ các trường học trên khắp thế giới thực hiện các chương trình nông nghiệp, dạy học sinh ăn uống lành mạnh, học cách trồng trọt, rèn kỹ năng sống và phát triển nhận thức bảo vệ môi trường. Mới đây nhất là dự án trường học kiến trúc 3XN tại Stockholm, Thụy Điển – Nơi các học sinh ở đủ lứa tuổi sẽ sống và học tập, được thiết kế bao gồm các vườn treo, sân cỏ và nông trại nằm ở phía ngoài dọc theo chiều cao của tòa nhà. Trường mẫu giáo Fuji ở Nhật Bản cũng đã sáng tạo mái nhà trở thành sân chơi với nhiều cây xanh, hoa cỏ, giúp mở rộng không gian sinh hoạt, phát triển tư duy sáng tạo và cho trẻ cơ hội gần gũi, thấu hiểu thiên nhiên.
Khu vườn xanh “Bức tường ăn được” trên không gian mái trường học của thầy giáo Stephen Ritz đang được nghiên cứu nhân rộng trong các công trình trường học mới tại Hoa Kỳ.
VÀ ĐỂ CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH TRƯỜNG HỌC MÁI XANH TẠI VIỆT NAM.
Trong thời gian vừa qua, một số công trình trường học đặc biệt là các công trình trường bậc học mầm non và tiểu học, trung học cơ sở đã được thiết kế tổ chức cây xanh trên không gian mái. Tiêu biểu nhất có thể kể đến nhóm các công trình trường học của kts Võ Trọng Nghĩa như: Nhà trẻ Farming Kindergarten (Đồng Nai), Trường THCS & PTTH Phan Chu Trinh (Dĩ An, Bình Dương) … đã đạt được nhiều giải thưởng thiết kế trong nước và quốc tế. Một số các đô thị lớn trong đó tiên phong là TP Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn tới tăng diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người từ 6 – 7m2, cây xanh công cộng đạt từ 2,5 – 3,5m2/người. Trong đó, mô hình trồng cây xanh trên mái nhà là một trong những giải pháp hiệu quả tại nhằm gia tăng diện tích cây xanh, góp phần tạo nên những nét chấm phá độc đáo trong kiến trúc đô thị với những nét đặc thù sinh thái riêng, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Môi trường” và là điểm đến du lịch cuốn hút.
Công trình nhà trẻ Farming Kindergarten (Đồng Nai) của Kts Võ Trọng Nghĩa
Một số yêu cầu chính của việc thiết kế tổ chức cây xanh trên mái công trình nói chung và công trình trường học nói riêng đặt ra bao gồm:
- Thiết kế Tổ chức không gian phù hợp đảm bảo yếu tố thẩm mỹ kiến trúc, điểm nhấn kiến trúc.
- Bố trí cây xanh theo các tầng tán phù hợp với điều kiện tự nhiên môi trường, khí hậu vùng miền.
- Có giải pháp tưới, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh với chi phí đầu tư và vận hành hợp lý.
Từ kinh nghiệm là chủ trì nhiều dự án thiết kế trường học hiện đại được đánh giá cao trong thời gian qua, đặc biệt là dự án Trường THCS tại ô đất có ký hiệu TH1 thuộc Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia cấp độ 2, vừa được chính thức khởi công ngày 05/09/2020 vừa qua do Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam là chủ trì tư vấn thiết kế, có thể đánh giá rằng, một thiết kế trường học tốt, có nghiên cứu các giải pháp tổ chức cây xanh trên mái ngay từ giai đoạn nghiên cứu ban đầu sẽ cho phép tạo nên một công trình trường học ấn tượng, một điểm nhấn công trình xanh trong đô thị cũng như góp phần mang lại hiệu quả nhiều mặt về đổi mới công tác đào tạo học sinh.
Với tiến bộ nhanh chóng về công nghệ chăm sóc cây xanh trên cao trên cơ sở sử dụng nền tảng công nghệ thông tin và tự động hóa toàn diện, cũng như việc ngày càng phổ cập & thị trường hóa các công nghệ trên thì các vấn đề về chi phí cũng như giải pháp duy trì chăm sóc cây xanh trên mái công trình trường học – nỗi lo của các công trình trường học trước đây hoàn toàn đã được giải quyết.
Sau khi tiến hành nghiên cứu và đánh giá hiện trạng thực tiễn, phương án thiết kế có thể tổ chức đồng bộ phần không gian mái dành cho một loạt các chức năng gắn với cây xanh gồm: (1) Khu vực vườn rau gồm khu vực trồng rau, ghế nghỉ, chòi nghỉ đóng vai trò như vườn thực vật để học sinh trải nghiệm và khám phá, cũng như cung cấp rau củ sạch cho nhu cầu trực tiếp của bếp ăn nhà trường; (2) Các khu vực sân chơi: là nơi đi dạo, học tập, đọc sách gồm khu vực đường dạo kết hợp ghế ngồi, sân cỏ với các ghế ngồi, bậu cây lớn đặt đan xen, cũng như dải cây cao giữa bếp và sân chơi; (3) Dốc đường dạo kết hợp ghế ngồi gồm hệ thống các thang bộ liên kết và ghế ngồi nghỉ với chức năng kết nối giao thông, văn động thể chất và thư giãn, đọc sách.