Một sáng tạo mới trong thiết kế kiến trúc cơ quan hành chính công quyền của nhóm chủ trì và kiến trúc sư Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam

Công trình kiến trúc có thể được xem là biểu hiện vật chất rõ nét và cụ thể nhất cho hệ thống các giá trị văn hóa xã hội, chính trị và con người của một quốc gia. Tại Việt Nam, với riêng thể loại công trình trụ sở cơ quan công quyền, nhiều đánh giá cho thấy còn thiếu giá trị mang đậm dấu ấn bản sắc nhận diện Việt Nam. Trong lịch sử trước đây, thời kỳ pháp thuộc, đa số các công trình công sở hành chính công quyền được xây dựng theo ngôn ngữ kiến trúc Đông Dương do các kiến trúc sư Pháp thiết kế. Trong các giai đoạn tiếp sau, thập niên 1990 – 2010, đa cố các công trình công sở công quyền được xây mới  hoặc cải tạo mới trong đều sử dụng ngôn ngữ tân cổ điển, nhắc lại nét kiến trúc Đông Dương thịnh hành thời trước,  nhưng có giảm bớt mức độ chi tiết gờ phào trang trí. Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2010 đến nay, nhiều công trình kiến trúc công sở công quyền đã được xây dựng với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại sử dụng các đường nét kiến trúc đơn giản, vật liệu mới công nghệ thi công mới. Tuy nhiên, việc sử dụng theo kiểu nhập ngoại làm mất đi các dấu ấn và tính nhận diện cho công trình công sở công quyền.

Phối cảnh tổng thể công trình

Với thiết kế các công trình cơ quan hành chính công quyền hiện nay, mục tiêu thiết kế kiến trúc cần đạt được đạt được bao gồm: (1) Sự thân thiện với người dân và cộng đồng, hòa nhập với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh. (2) Đạt được tính uy nghiêm và biểu tượng của cơ quan công quyền; (3) Đạt được tối ưu về tổ chức vi khí hậu, chiếu sáng và thông gió tự nhiên; (4) Kế thừa các nét kiến trúc truyền thống dân tộc theo thời gian; (5) Tối ưu trong ứng dụng các vật liệu cũng như phương pháp thi công bản địa; (6) Có tính biểu tượng để thúc đẩy phát triển theo trào lưu hệ thống công trình công quyền mới trên phạm vi cả nước.

Công trình được xây dựng tại ô đất D22 có diện tích 20.160m2 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy nằm trong ô quy hoạch ký hiệu K6-1/CCĐT2 được xác định:  Chức năng là đất công cộng đô thị; Mật độ xây dựng tối đa 40%; Tầng cao tối đa 15 tầng.Đánh giá hiện trạng cho thấy khu đất xây dựng nằm ngay giáp ngã 5 giao cắt, trong đó trục đường Phạm Văn Bạch có vị trí hướng thẳng vào trực diện lô đất và  có hướng tiếp cận chính là trục đường Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tôn.

Về quy hoạch tổng thể, phương án loại bỏ cách tổ chức các khối công trình chức năng có hàng rào ngăn cách kém thân thiện với cảnh quan và cộng động đồng dân cư. Thay vào đó là việc tổ chức các khối công trình tiến sát ra vỉa hè để có thể tiếp cận trực tiếp với không gian cộng đồng xung quanh.

Với địa thế khu đất khá vuông vức, tổ hợp không gian công trình bố cục các khối chức năng theo hình vuông, với các khối HĐND & UBND giáp với phố Tôn Thất Thuyết, khối Đảng ủy và các cơ quan đoàn thể giáp đường Trần Thái Tông, khối các cơ quan hiệp quản và khu hành chính 1 cửa được bố trí ở các mặt phía sau.  Phương án quy hoạch tổng thể cũng đạt được sự tối ưu trong quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, diện tích xây dựng đạt 6,192 m2, trong đó phần công trình nổi là 28,550 m2, tầng hầm là 16,538 m2, mật độ xây dựng là 28.7%, tầng cao 6 tầng, hệ số sử dụng đất 1,3 lần.

Các mặt đứng chính công trình

Giải pháp tổ hợp hệ phân vị đứng và ngang trên mặt tiền công trình

Việc bố trí các khối chức năng ôm viền theo chu vi khu đất cũng cho phép tổ chức  khu vực sân và vườn tiểu cảnh trong ở trung tâm. Với phần không gian này, ngoài chức năng điều hướng về cảnh quan còn đóng vai trò như phần không gian công cộng kết nối các không gian chức năng tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn thể công trình. Việc bố trí các khối hành chính tách ra 2 bên, cũng  cho phép hạn chế các nhược điểm chính về phong thủy khi trục đường Phạm Văn Bạch đâm thẳng vào khu đất đồng thời là cơ hội để bố trí khu quảng trường nước, kết hợp với không gian sảnh chính thân thiện với người dân và cộng đồng ở tầng 1 để trống và khối phòng hội trường đa năng “hoành tráng” ở tầng trên. Phần không gian Quảng nước phía trước công trình đóng vai trò như không gian chuyển tiếp và điều hòa vi khí hậu, đồng thời là giải pháp tối ưu hóa công năng vừa đồng thời là tiểu cảnh trang trí trong những dịp kỷ niệm hay các sự kiện quan trọng.

Để đảm bảo có được sự tối ưu trong ngôn ngữ kiến trúc, có tính tương đồng với tổng thể và các công trình lân cận, kiến trúc mặt tiền các khối chính công trình sử dụng các đường nét kỷ hà với các tuyến điểm nhấn dọc ngang  được bố cục so le. Khu sảnh tiếp cận được bố trí ở chính giữa đảm bảo sự thuận tiện trong tiếp cận cũng như tính đối xứng trong bố cục mặt đứng. Giải pháp thiết kế các hệ cột lớn chạy suốt trên mặt tiền có tỷ lệ cân đối và mầu trắng, kết hơp với hệ lam mầu nâu chạy dọc phần trên công trình giúp tạo nên tính nhận diện, sự uy nghiêm cần thiết cho công trình. Kết hợp với hệ mái thẳng, nhô ra hợp lý trên mặt tiền theo tỷ lệ “vàng”, một mặt phương án ngôn ngữ kiến trúc mặt tiền được cho là kế thừa có chọn lọc ngôn ngữ thiết kế kiến trúc, tái hiện cấu trúc hành lang – mái hiên trong ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ, hệ song cửa liền kề với sân trong rộng rãi giúp tối ưu hóa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mặt khác, toàn thể dự án cũng phảng phất hình ảnh các công trình trụ sở rất nổi tiếng trong kiến trúc Việt Nam như Trụ sở Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam (Hà Nội), tòa nhà Dinh Độc Lập (TPHCM).

Tiểu cảnh với ánh sáng và cây xanh trong không gian sân trong 

 Nội thất không gian sảnh chính

Sơ đồ mặt bằng tổng thể 

Sơ đồ mặt bằng tầng trệt

Sơ đồ mặt bằng tầng 2

————————————————————–

Phương án thiết kế THIẾT KẾ TRỤ SỞ ĐẢNG ỦY – HĐND – UBND QUẬN CẦU GIẤY do nhóm Kts Trần Nguyễn Quảng – chủ trì, Kts Lương Văn Thành, Kts Đinh Văn Thành, Kts Trần Mạnh Linh và các cộng sự Phòng Thiết kế ý tưởng, Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam thực hiện tháng 07/2020 được đánh giá cao bởi các yếu tố thiết kế hiện đại trên cơ sở có sự  kế thừa các giá trị truyền thống để đạt được các hệu quả về tính nhận diện và bản sắc, cũng như tính thân thiện và hiệu quả trong sử dụng và vận hành công trình.