Ks.Trần Thanh Tùng – Trưởng phòng Kết Cấu 1, Công ty liên doanh Sunjin Việt Nam.
Xu hướng hiện nay, như một yêu cầu bắt buộc đáp ứng các yêu cầu dậy và học, bên cạnh hệ thống lớp học, công trình trường học luôn được thiết kế tổ chức nhiều không gian tiện ích nhịp lớn như nhà thi đấu, bể bơi, phòng ăn tập thể. Nhiều trong số đó trong thời gian vừa qua sử dụng các hệ kết cấu dầm bê tông nhịp lớn, với kích thước dầm cao, chi phí thi công tốn kém và đặc biệt là làm giảm các hiệu quả thẩm mỹ và sử dụng không gian cho thể công trình luôn có yêu cầu khắt khe về phù hợp tâm sinh lý học sinh cũng như tối ưu hóa tiện nghi sử dụng. Trong thời gian vừa qua, giải pháp dầm ô cờ đã được ứng dụng trong một số công trình trường học như trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội)… đã thay thế có hiệu quả các giải pháp dầm cũ. Để làm rõ điều này, phóng viên đã có buổi trao đổi với Ks.Trần Thanh Tùng- Trưởng phòng Kết Cấu 1, Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam về chủ đề này.
Pv: Dưới góc độ là chuyên gia kết cấu, theo ông, các ưu và nhược điểm cần tính đến của các thiết kế kết cáu dầm nhịp lớn cho các không gian tiện ích trong công trình trường học hiện nay, đặc biệt là hệ thống kết cấu dầm ứng suất trước đang được triển khai rộng rãi hiện nay?
Ks. Trần Thanh Tùng: Hiện nay, đối với các kết cấu nhịp lớn trong công trình dân dụng nói chung và trường học nói riêng, các giải pháp kết cấu ứng dụng các công nghệ cáp dự ứng lực trong xây dựng luôn được áp dụng phổ biến trên thế giới và cả tại Việt Nam. Để có hiệu quả cao trong các không gian lớn vượt nhịp khoảng 16m các kĩ sư kết cấu thường đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ dầm chính dự ứng lực kết hợp hệ thống dầm phụ gia cường chia nhỏ các ô sàn dồn tải trọng về các đầu cột.
Về ưu điểm của hệ thống dầm dự ứng lực loại này cho phép tạo ra không gian sử dụng rộng có chiều cao dầm nhỏ. Tuy nhiên, do có độ phức tạp, dù phổ biến nhưng vẫn là công nghệ tiên tiến trong kết cấu vượt nhịp nên công tác tổ chức và thi công đòi hỏi có nhà thầu thi công cáp dự ứng lực chuyên nghiệp, cũng như hệ thống máy thi công chuyên dụng. Bên cạnh đó, cấu kiện dầm dự ứng có kích thước bề rộng dầm lớn, là ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ cho không gian nội và ngoại thất nên để sử dụng có hiệu quả. Đối với thể loại công trình trường học có yêu cầu rất cao về thẩm mỹ kiến trúc cả đối với nội và ngoại thất công trình, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, đáp ứng các nhu cầu dạy và học của học sinh và giáo viên, công tác thi công hoàn thiện công trình thường yêu cầu thi công trần giả trong nội thất công trình. Điều này làm gia tăng đang kể về chi phí đầu tư cũng như thời gian thi công, hoàn thiện công trình.
Sơ đồ thiết kế hệ thống kết cấu dầm ứng suất trước cho công trình trường học
Pv: Vậy, trên cơ sở các công trình đã được nghiên cứu triển khai sử dụng hệ kết cấu mới, theo ông, đâu là những ưu thế trong việc ứng dụng hệ kết cấu dầm cao giao thoa “dạng ô cờ” trong không gian lớn như sàn nhà thi đấu,bể bơi ,phòng ăn của các dự án trường học hiện nay?
Ks. Trần Thanh Tùng: Như đã trao đổi, qua quá trình triển khai thực tế các công trình trường học trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh thành phố trên phạm vi cả nước, nhóm tư vấn thiết kế Công ty Liên doanh Sujin Việt Nam đã nhận thấy rõ các yếu điểm lớn của hệ dầm ứng suất trước khi áp dụng cho các không gian nhịp lớn trong công trình trường học. Do vậy, các kỹ sư kết cấu Sunjin Việt Nam đã triển khai thiết kế áp dụng giải pháp kết cấu dầm cao giao thoa dạng “ô cờ”.
Trong quá trình áp dụng tại một số công trình tiêu biểu do Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam làm chủ trì tư vấn thiết kế như: dự án cải tạoTrường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), việc ứng dụng giải pháp pháp kết cấu dầm cao giao thoa dạng “ô cờ” đã cho phép sử dụng triệt để chiều cao tầng tối ưu của các không gian thông tầng, tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ khi các cấu kiện dầm BTCT được sắp đặt một cách chỉnh chu và ngăn nắp. Không chỉ với các không gian nhịp lớn, tại dự án cải tạoTrường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giải pháp này còn được sử dụng cho không gian lớp học, giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư bên cạnh sự tối ưu về tổ chức kết cấu khi các ô dầm trên trần được sơn trang trí nhiều mầu bắt mắt, và rất phù hợp để bố trí hệ đèn chiếu sáng trần.
Sau khi thi công hoàn thiện, hệ dầm ô cờ rất phù hợp cho việc trang trí và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thông gió, PCCC,… mà không cần lắp đặt bổ sung hệ thống trần giả, giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng công trình. Bản thân các cấu kiện dầm BTCT không chỉ đóng vai trò chính là kết cấu chịu lực mà còn vai trò quan trọng làm đẹp cho không gian kiến trúc do có thể kết hợp các phương án trang trí mầu sắc, ánh sáng.
Như vậy, phương án thiết kế dầm cao giao thoa “dạng ô cờ” cho không gian nhịp lớn như như: phòng đa đăng, bể bơi, phòng ăn… trong các dự án trường học có rất nhiều ưu điểm, cả về hiệu quả về thẩm mỹ kiến trúc và tối ưu kết cấu công trình. Giải pháp này cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng phổ biến rộng rãi trong thời gian tới. Dù hiện nay mới chỉ áp dụng với nhịp dầm bị giới hạn khoảng 16m, nhưng trong thời gian tới, khi các công nghệ thi công và vật liệu xây dựng được đổi mới, sẽ cho phép áp dụng với các không gian có khẩu độ nhịp lớn hơn, với nhiều hiệu quả thiết thực hơn.
Thiết kế và thi công không gian bể bơi trường THCS Yên Hòa ứng dụng giải pháp dầm ô cờ
———————
Ks.Trần Thanh Tùng- Trưởng phòng Kết Cấu 1, Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam, đã cùng với nhóm kỹ sư thực hiện thiết kế kết cấu – cơ điện nhiều công trình trường học như Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và nhiều công trình trường học cũng như các thể loại công trình khác tại Hà Nội cũng như các TP khác trên phạm vi cả nước.
———————–
Hà Nội, tháng 07/2020