Kts Trịnh Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Kiến trúc 1, Công ty Liên doanh Sunjn Việt Nam

 Trong những năm gần đây, trong xu thế hội nhập, công nghệ thiết kế trên nền tảng Revit hướng đến triển khai đồng bộ BIM đang được ngành xây dựng và giới thiết kế thúc đẩy mạnh mẽ , nhằm tạo ra sự đổi mới toàn diện công tác thiết kế, thi công, quản lý đầu tư xây dựng công trình. Với những ưu điểm vượt trội, đây là xu hướng công nghệ tất yếu của thế kỷ 21. Để đón đầu xu hướng và tao ra sự đổi mới toàn diện về chất lượng của sản phẩm thiết kế, trong thời gian gần đây công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam đã nghiên cứu triển khai ứng dụng phần mềm Revit để tiến tới áp dụng đồng bộ nền tảng công nghệ BIM cho các thiết kế công trình trên phạm vi cả nước, đặc biệt là những công trình trường học, tiêu biểu nhất là trường hợp dự án trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Dự án do công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam là đơn vị chủ trì tư vấn thiết kế với  Kts Trịnh Trung Hiếu – chủ trì trì thiết kế và các kts Nguyễn Thạch Thảo, Kts Nguyễn Xuân Hiệu là thành viên tham gia.

Phối cảnh thiết kế dự án trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

BIM – REVIT, XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN NGÀNH XÂY DỰNG

Mô hình thông tin số hóa công trình xây dựng – BIM (viết tắt Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng (AEC) dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng. BIM là một trong những bước tiến lớn mang yếu tố cách mạng trong việc thiết kế, xây dựng và quản lý dự án. Mô hình BIM giúp nhà thầu tạo ra mô hình 3D của các dự án với đầy đủ các thông tin của từng chi tiết nhỏ nhất, việc cập nhật luôn diễn ra liên tục và đồng bộ. Những mô hình BIM này cao cấp hơn nhiều so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin, được thay đổi và cập nhật xuyên suốt quá trình phát triển dự án.

Các ưu điểm khi ứng dụng triển khai đồng bộ nền tảng công nghệ BIM trong các giai đoạn từ thiết kế đến thi công và quản lý dự án công trình bao gồm:

  • Quản lý dữ liệu tập trung: không phải cập nhật thủ công hàng loạt bản vẽ CAD 2D mỗi khi dự án có chỉnh sửa. Mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự động và chính xác, chỉ cần tập trung vào chất lượng của các mô hình thiết kế 3D.
  • Thiết kế mô hình trực quan: cả dự án sẽ được đưa vào một mô hình số hóa theo một cách chi tiết và chính xác nhất. Có thể xem được từng thành phần của dự án, từng chi tiết nhỏ nhất tùy theo mức độ của mô hình. Chủ đầu tư sẽ dễ dàng có được một cái nhìn trực quan nhất về dự án, đội ngũ thiết kế kết cấu, MEP… dễ dàng phát hiện các xung đột, thiết kế tối ưu các chi tiết trong không gian của tòa nhà.
  • Tiết kiệm chi phí – thời gian: BIM giúp nhà thầu, chủ đầu tư có một cái nhìn chính xác hơn khi ước lượng các khoảng đầu tư và chi phí, mọi mô hình trên BIM đều có chiều sâu và rất chính xác. Giảm thiểu các khoảng phát sinh về chi phí lẫn thời gian làm việc với việc quản lý dữ liệu đồng nhất, tránh mất mát trong quá trình lưu trữ và quản lý tài liệu.
  • Tăng khả năng cộng tác: BIM giúp sự liên kết giữa các đơn vị tham gia dự án trở nên chặt chẽ hơn, từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, MEP, dự toán… tất cả đều làm việc trên một mô hình thống nhất, mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên tạo thành một luồng thông tin xuyên suốt.
  • Hạn chế rủi ro: mô hình 3D trong BIM mang đầy đủ các yếu tố của một công trình thực tế giúp dễ dàng phát hiện những xung đột giữa các thành phần trong công trình, hạn chế các phát sinh khi thi công, giảm thiểu sai sót.

Quy trình BIM sẽ xoay quanh các mô hình số hóa 3D, và Autodesk là một trong những hãng phần mềm tiên phong và đang dẫn đầu trong việc phát triển các ứng dụng hỗ trợ cho quy trình BIM. Trong đó Autodesk Revit đang nổi lên trở thành một phần mềm không thể thiếu khi nhắc đến BIM, đặc biệt là BIM 3D. Trong thời gian gần đây, Bộ Xây dựng và cộng đồng thiết kế công trình tại Việt Nam cũng đã tiếp nhận và đẩy mạnh triển khai thí điểm nền tảng BIM tại Việt Nam. Trên cơ sở những thử nghiệm bước đầu trong giai đoạn 5 năm 2015 – 2020, trong thời gian tới đây, Ngành xây dựng sẽ từng bước tiến tới chuẩn hóa và quy định nền tảng BIM sẽ được chính thức bắt buộc áp dụng tại Việt Nam để tạo dựng sự đổi mới đồng bộ công tác thiết kế, thi công, triển khai đầu tư xây dựng công trình xây dựng, bắt đầu bằng các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách.

KINH NGHIỆM TỪ VIỆN ỨNG DỤNG TRIỂN KHAI BIM – REVIT TRONG THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC

Trong những năm vừa qua, với chất lượng và sự chuyên nghiệp, Sunjin Việt Nam luôn được các chủ đầu tư dự án tin tưởng là chủ trì tư vấn thiết kế, trong đó có các dự án trường học quy mô lớn tại Hà Nội. Hướng đến đổi mới và nâng cao chất lượng thiết kế dự án, mang lại nhiều ưu thế và lợi ích cho dự án, tránh được các hư hoa thất thoát, lãng phí không cần thiết cho các dự án trường học, các kiến trúc sư và kỹ sư Sunjin Việt Nam đã triển khai ứng dụng nền tảng BIM – Revit trong thiết kế trường học, mà khởi đầu là dự án trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Mô hình thông tin số hóa công trình BIM áp dụng cho dự án án trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

“Qua ứng dụng triển khai bước đầu nền tảng BIM – Revit tại dự án THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy các ưu thế rất lớn trong đổi mới, nâng cao chất lượng thiết kế trường học, tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu liệu trong đầu tư xây dựng công trình. Việc ứng dụng Revit Architecture và Revit MEP là phù hợp cho việc thiết kế hiệu quả về thời gian, tối ưu sự chính xác và đồng nhất trong quá trình sửa đổi phương án và giải pháp thiết kế, trực quan trong việc khớp nối các hệ thống, tránh xung đột”.

Triển khai thiết kế trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) trên nền tảng BIM – Revit cũng tạo điều kiện tối đa để các bộ môn thiết kế như Kiến trúc, cơ điện, kết cấu…được tương tác và cùng tham gia ngay từ các giai đoạn thiết ban đầu, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp – chuyên môn cao.

Tất cả thông tin dữ liệu thi công đều được lưu trữ ở một dữ liệu chung và khi tiến hành việc chỉnh sửa và thay đổi bất kỳ thông tin nào thì ứng dụng sẽ tự cập nhật cái mới trong suốt thời gian làm việc. Thống kê tự động toàn bộ khối lượng công trình trong suốt quá trình xây dựng. Luôn cập nhật mọi sự thay đổi mới khi có bất kỳ sự tăng giảm khối lượng vật liệu. Tính toán khối lương vật liệu cụ thể và đưa ra đề án bóc tách đơn giản. Có thể triển khai chi tiết cấu tạo hóa các bản kiến trúc vẽ 2D một cách nhanh chóng. Đặc biệt là có thể làm mới, chia sẻ và tùy chỉnh kích thước các chi tiết sao cho phù hợp với bản thiết kế nhất. Có thể dễ dàng tạo hình kiến trúc đến từng chi tiết và dựng mô hình theo ý nghĩ của mình. Đặc biệt là hỗ trợ làm việc nhóm thông minh.

Bên cạnh một số khó khăn về hành lang pháp lý (tiêu chuẩn – quy chuẩn), phải thay đổi toàn diện các quy trình thiết kế – thẩm định – triển khai đầu tư xây dựng công trình, đầu tư hệ thống máy móc – trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực, trên cở sở các kinh nghiệm ứng dụng nền tảng công nghệ BIM – Revit tại dự án trường THCS và trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng nền tảng này để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng thiết kế với các công trình trọng điểm trên toàn quốc, đặc biệt là các công trình trường học trong thời gian tới./.

Hà Nội, 21/09/2020