Có một hiện trạng dễ thấy, cùng với sự quá tải trường học, có một số lượng rất lớn các công trình trường học nội đô đã cũ và xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là về chất lượng sử dụng và hình thức kiến trúc. Việc cải tạo trường học nội đô mang đến những chất lượng sử dụng mới – phù hợp với chiến lược đổi mới công tác giáo dục, đặc biệt là thay đổi toàn diện diện mạo kiến trúc của công trình theo hướng hiện đại – hấp dẫn để góp phần tạo dựng một công trình điểm nhấn kiến trúc cho không gian tổng thể đô thị là điều thực sự cần thiết tại thời điểm hiện nay. Với các tiêu chí định hướng như trên, mô hình cải tạo trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) đã được công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam thể nghiệm nhóm giải pháp “Thay đổi diện mạo – đưa khối đa năng vào trung tâm – tạo dựng điếm nhấn kiến trúc”.
Là một ngôi trường cũ với diện tích khu đất gần 8.300 m2, nằm trên khu vực trục tuyến phố Nguyễn Văn Huyên đông đúc của quận nội đô Cầu Giấy (Hà Nội), hiện trạng công trình với các khối lớp học, hiệu bộ và phụ trợ được xây từ những năm 2002 và 2004, đã có tuổi thọ xấp xỉ 20 năm. Hệ kết cấu chính của công trình qua quá trình kiểm định cho thấy vẫn đảm bảo chất lượng độ bền sử dụng lâu dài nhưng chất lượng tiện nghi và đặc biệt là diện mạo kiến trúc của công trình đã không còn phù hợp với các yêu cầu về tâm sinh lý lứa tuổi học đường trong bối cảnh hội nhập – đổi mới giáo dục, cũng như không tiệm cận các yêu cầu về giá trị điểm nhấn đóng góp cho việc tạo dựng tổng thể khu vực quận nội đô đô thị thế kỷ 21.
Hiện trạng công trình cũ trước khi cải tạo
Giải pháp cải tạo thay đổi diện mạo công trình trước hết thông qua quy hoạch chỉnh trang, kiến tạo trục kiến trúc cảnh quan mới cho công trình với chỉ tiêu quy hoạch tối ưu (diện tích xây dựng ~ 3.300 m2, mật độ 40%, hệ số sử dụng đất 1,8). Qua đó, các khối lớp học giữ nguyên tính đăng đối qua trục đối xứng trên sân tập trung chính. Hệ thống cổng chính và 02 cổng phụ được tổ chức để đảm bảo giao thống tiếp cận thuận tiện cho công trình. Đồng thời, khối lớp học ở hai phía Bắc & Nam của khu đất cao 04 tầng được kéo dài thêm để tạo điều kiện mở rộng số lượng diện tích sử dụng (gần 6.200 m2) và mở rộng chiều dài sân tập trung thêm 8m có thể đáp ứng tốt hơn cho những buổi tập trung học sinh toàn trường. Khối lớp học bộ môn và hiệu bộ cao 04 tầng được bố trí ở phần sát trục đường giao thông, kết nối thuận tiện giữa các khối nhà học lý thuyết. Đặc biệt, không gian nhà đa năng được tổ chức quy hoạch lại tại vị trí khu vực trung tâm khu đất cho phép tạo dựng một khối công trình điểm nhấn trung tâm cho công trình với các sân thể thao trong nhà có quy mô diện tích khác nhau bố trí tại tầng hầm và bán hầm (với diện tích lớn 2.792 m2) có thể tổ chức đa dạng nhiều hình thức hoạt động thể chất phục vụ công tác học tập và vui chơi của học sinh. Các tầng phía trên bố trí hệ thống phòng ăn và các phòng phụ trợ tiện ích và đồng bộ. Các khối nhà được kết nối đồng bộ liên hoàn với nhau bằng hệ thống hành lang cầu.
Phối cảnh thiết kế nội ngoại thất cải tạo công trình
Bên cạnh ý nghĩa về cảnh quan, giải pháp tái cấu trúc theo trục cảnh quan trung tâm mới cũng cho phép các khối nhà học lý thuyết mở cửa sổ hướng Bắc, Nam lấy ánh sáng tán xạ tốt nhất vào lớp học và tránh nắng nóng trực tiếp, cũng như tối ưu thông gió và chiếu sáng tự nhiên khi các khối chức năng được quy hoạch cũng đảm khoảng cách lưu thông lớn để duy trì luồng gió mát đối lưu từ bên ngoài vào làm mát toàn khuôn viên cũng như các các phòng học.
Mặt bằng công trình
Với kiến trúc mặt tiền công trình, thiết kế cải tạo thay đổi toàn bộ mầu sắc và vật liệu hoàn thiện. Trên nền khối sơn trắng, các mảng gạch gốm đỏ được nghiên cứu bố trí tại một số các vị trí điểm nhấn diện tường bên ngoài và toàn bộ diện tường hướng vào sân trong. Đặc biệt, khối công trình nhà đa năng ở trung tâm và khối phòng học xây mới được thiết kế với cấu trúc khung tạo khối vút nhọn ở phần đỉnh, các diện tường bên ngoài ốp hoàn thiện với gạch gốm đỏ, và đặc biệt là các mảng tường gạch xây đặc rỗng thông thoáng tại các đầu hồi đã trở thành điểm nhấn chính của kiến trúc toàn trường, cũng như tạo điểm nhấn thị giác trên cao quan trọng của toàn khu vực. Không gian sân chơi rợp bóng cây xanh và vườn xanh trên mái cũng được thiết kế cải tạo bổ sung để công trình có thêm nhiều ý nghĩa sinh thái, đóng góp cho diện mạo tổng thể chung của toàn khu đô thị./.
Biên tập: Phạm Hoàng Phương (Phó Tổng biên tập – Tạp chí kiến trúc Việt Nam)