Trong thời đại kỹ thuật số lên ngôi, các công trình kiến trúc được tự do thoát khỏi những khung cột hình khối truyền thống thông thường. Ngày nay, khi mà trí tưởng tượng của các kiến trúc sư vượt qua mọi giới hạn, tất cả những gì cần làm chỉ là tìm cách hiện thực hóa ý tưởng thiết kế vào thực tế.

Có rất nhiều kiến trúc đương đại không bị gò bó theo truyền thống, thay vào đó là có bề mặt uốn cong mềm mại hoặc có hình đa giác, lượn sóng khác lạ. Kể từ những năm 1990, những tòa nhà có kiến trúc khối chảy tự nhiên được biết đến như phong cách kiến trúc “Blob”. Đôi khi chỉ có khu vực mặt tiền hoặc phần mái nhà được xây nhấp nhô, lại có lúc cả tòa nhà “uốn lượn” tự do. Điều gì giúp cho những công trình này thoát khỏi lối kiến trúc vuông vức cứng nhắc thông thường? Mong muốn của khách hàng và kiến trúc sư có đủ để vượt qua được những rào cản kỹ thuật trong quá trình xây dựng công trình? Nhờ vào sự phát triển của công nghệ hiện đại, các kiến trúc sư, kĩ sư đã biết áp dụng máy móc, phần mềm đồ họa vào quá trình thiết kế, giúp các tòa nhà thoát ra khỏi những lý thuyết thiết kế truyền thống.

Ngay từ ban đầu khi nhận được dự án Trường Mầm non Nghĩa Đô, nhóm kiến trúc sư, kĩ sư của Sunjin Việt Nam đã cảm thấy rất hào hứng và cuốn hút.

Công trình mang trong mình một vẻ đẹp mềm mại và uyển chuyển, cấu trúc uốn lượn của kiến trúc dự án không chỉ kích kích về thị giác khi ngắm nhìn, kích thích sự thay đổi về không gian mà còn kích thích sự sáng tạo, mang tính thách thức lớn với riêng bộ môn kết cấu trong lĩnh vực hoàn thiện chuyên môn.

Để triển khai thiết kế kết cấu công trình này, nhóm kĩ sư đã áp dụng rất nhiều điểm mới, những giải pháp khác biệt so với những gì bộ môn kết cấu đã làm trước đây.

Ở đâu đó ta luôn hình dung thế giới của kết cấu là những cột, những dầm khô khan, góc cạnh, đầy rẫy những công thức phép tính. Vì vậy không nói quá khi công trình này đang mang đến rất nhiều cảm hứng khi thực hiện trong quá trình thiết kế.

Mỗi lớp học, mỗi khối nhà chức năng đều được xem như một giọt sương, trong đó các đường cong mềm mại được thêm vào, bo tròn, loại bỏ hoàn toàn các góc vuông vức. Điều này thúc đẩy chúng tôi tìm hiểu và tính toán các cột vách, các dầm cong theo đường cong của lớp học để có thể tạo sự hòa đồng, ăn nhập giữa những cấu kiện bê tông thô cứng và tổng thể.

Riêng hành lang cầu nối giữa 2 khối nhà cũng là thử thách rất lớn đối với bộ môn kết cấu,

Chính do khuôn đất vặn vẹo và méo mó, để có thể đảm bảo được sự hài hòa về thông gió, sự phù hợp về chiếu sáng, các khối nhà đã được đặt theo các hướng khác nhau, và không theo một quy luật cụ thể nào hiện có trong xây dựng.

Nhịp hành lang nối giữa 2 khối nhà đặt chéo không chỉ rất lớn (khoảng 18~20m) mà còn được nối bởi những bước cột không đều. Đầy là bài toán tiêu tốn nhiều thời gian và suy nghĩ nhất khi dường như việc đảm bảo sự mềm mại của công trình là điều bất khả thi.

Với giải pháp phù hợp giữa các bộ môn của chúng tôi, đây sẽ là 1 trong những điểm nhấn đáng mong chờ của công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Phối cảnh kết cấu hệ cầu nối giữa các khối lớp học

Ngoài ra, những thang bộ phiêu lưu và bay bổng, cổng chào tạo hình cầu vồng đón các em đến trường, hệ thống hành lang kết nối cũng được tổ hợp là các nét cong uốn lượn mềm mại,… có rất nhiều những chi tiết được chăm chút tỉ mỉ, được phối hợp và thiết kế kỹ càng bới những kỹ sư, kiến trúc sư của Sunjin Việt Nam.

Ks. Nguyễn Hữu Tùng – Trưởng phòng Kết cấu 2

“Đối với chúng tôi, hạnh phúc không chỉ là được nhìn những sản phẩm tinh thần của mình được thành hình mà còn là hành trình triển khai và thiết kế các công trình đặc sắc như dự án này.”