“Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: nghệ thuật và kỹ thuật. Một kiến trúc sư giỏi là người biết dung hòa hai lĩnh vực có vẻ mâu thuẫn đó, dựa trên những cơ sở kỹ thuật chính xác để thăng hoa cùng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo”. (Theo Dân trí).

Cùng gặp gỡ kiến trúc sư (KTS) Đinh Văn Thành – Trưởng phòng phát triển Ý tưởng Studio 1 – Công ty Liên doanh Sunjin Vietnam để lắng nghe những chia sẻ của anh về cảm hứng, quá trình sáng tạo và kinh nghiệm “đi tìm câu trả lời từ chính thực tế cuộc sống” dưới góc nhìn của một người gắn bó hơn 10 năm với nghề được coi là “sự cân bằng hoàn hảo giữa kĩ thuật và tài hoa” này nhé!

KTS Đinh Văn Thành – Trưởng phòng phát triển Ý tưởng Studio 1 – Công ty Liên doanh Sunjin Vietnam

Nếu có thể miêu tả về phong cách thiết kế của mình bằng 3 từ, anh sẽ chọn những từ nào?

KTS Thành Đinh: Thực ra 3 từ thì hơi khó để chọn nhỉ. 

PV: Không sao, anh có thể chọn từ nào anh yêu thích nhất.

Anh nghĩ là anh sẽ chọn cho người sử dụng. Tại vì bản chất kiến trúc là 1 sản phẩm để sử dụng chứ không phải để ngắm. Kiến trúc từ thưở sơ khai đầu tiên là để sử dụng như là hang đá, lều,..- đều là những thứ phục vụ con người và thực dụng. Khi con người bắt đầu có sự dư thừa, người ta sẽ có nhu cầu làm đẹp hơn. Nhưng về bản chất kiến trúc vẫn phục vụ mục đích sử dụng. Con người sẽ sử dụng những công năng trong công trình đó.

Trong số những công trình anh từng thiết kế, có rất nhiều màu xanh được anh đưa vào, ví dụ như trường THCS Trần Duy Hưng. Anh thường đưa yếu tố “xanh” vào công trình của mình như thế nào?

Trong không gian đô thị như Hà Nội, không gian xanh là 1 thứ gì đó vô cùng rất quý hiếm. Anh cố gắng tận dụng tối đa những khoảng như mái nhà mà trước nay người ta thường hay bỏ phí để làm không gian kĩ thuật, mái tôn, téc nước,…. Những khoảng không gian bị lãng quên đó cũng được anh tận dụng để làm những sân chơi, mảnh vườn xanh.

Vì sao anh lại chọn không gian xanh trên tầng cao mà không phải một khu vực nào khác?

Trong những công trình của Sunjin, sân chơi và không gian vườn đều sử dụng cây xanh. Anh đưa những khoảng không gian xanh lên trên cao là vì nó mang lại cảm giác cho người sử dụng:  không bị cảm giác ngợp bởi nhà cao tầng. Khi nhìn qua cửa sổ mà vẫn có thể thấy cây xanh, họ sẽ có cảm giác thân thuộc và tiện ích như dưới mặt đất.

Trong 10 năm qua, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới chỉ đạt được trên hơn 200 công trình, con số này quả thực rất khiêm tốn. Anh nghĩ như thế nào về việc này? Điều này có đặt ra bài toán đối với các KTS?

Con số 200 chỉ mang tính tương đối thôi. Anh nghĩ vấn đề chính là làm sao để cho yếu tố xanh có thể lan tỏa tới mọi người, từ đó mỗi cá nhân, mỗi người sử dụng sẽ có thể tự ý thức được về việc thiết kế những không gian xanh trong nhà hoặc công trình của mình, không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân mà còn vì cộng đồng.

Theo xu hướng bây giờ, cũng đã có rất nhiều người sống ở khu vực nội đô chật hẹp cũng nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố xanh. Nhiều quán café cũng đã ứng dụng không gian xanh trong trang trí quán. Anh hi vọng là xu hướng xanh có thể ngấm vào từng người để từ đấy số lượng công trình xanh không phải chỉ là 200 đâu, mà từ đó sẽ nhân lên rất nhanh. Công trình xanh đúng nghĩ không chỉ là công trình trồng cây mà còn là những công trình chúng ta không đập phá, xây mới cũng là xanh vì không thải ra CO2, tiết kiệm chi phí, năng lượng,…

Trong cách ăn mặc, cách nói chuyện của anh đều toát ra vẻ rất gần gũi, chân thật và có gì đó tối giản. Vậy tối giản có phải là một trong những quan điểm của anh khi lồng ghép vào trong phong cách thiết kế?

Anh thường lắng nghe bản thân, lắng nghe mọi người để tìm được những điều phù hợp cho thiết kế và cho chính mình. Gọi anh là tối giản cũng không phải, vì thực ra nhà anh trông rất rối vì anh thích rất nhiều thứ, cây cối, đồ chơi,…. nhưng trong thiết kế cho người khác thì anh lại rất đơn giản, tránh lãng phí, cũng là một cách để hướng tới yếu tố xanh.

Trong thiết kế, để “tối giản”, mình xác định được mục đích chính và đặt câu hỏi tại sao, có cần thiết hay không, và mình phải đi tìm. Với những công trình cải tạo, mình tái sử dụng từ những chất liệu có sẵn, dựa trên những yếu cốt lõi để mang đến một công trình đem lại cảm giác thoải mái nhất cho người sử dụng như: thông gió, ánh sáng – những yếu tố cơ bản nhất của một ngôi nhà để con người có thể sống tốt. Ngoài ra có thể thêm thêm cây xanh để tăng chất lượng cuộc sống.

Cảm hứng sáng tạo cho những thiết kế của anh đến từ đâu và được khơi gợi như thế nào? Anh thường đi tìm cảm hứng sáng tạo ở đâu?

Chính khu đất mà anh khảo sát mang lại cảm hứng chân thật trước tiên cho anh. Và nguồn cảm hứng thứ 2 đến từ chính cá tính gia chủ.

Đầu tiên luôn là khu đất (hướng nhà, diện tích, giao thông,..). Bất kỳ một công trình nào cũng bị chi phối bởi yếu tố giao thông. Nếu giao thông xa thì công trình sẽ khó sử dụng và bất tiện. Phải khảo sát kĩ hiện trạng khu đất của dự án

Quan trọng không kém là kinh phí. Công trình này có mức kinh phí đầu tư là bao nhiêu, nhu cầu sử dụng như thế nào, từ đó mới đề ra phương án phù hợp. Nếu muốn xịn xò sang chảnh mà ít tiền thì làm theo kiểu tự nhiên, thô mộc,… (cười).

Trong các dự án anh đã thực hiện cho Sunjin Vietnam, đâu là dự án anh tâm đắc nhất?

Với mỗi dự án, anh lại có một cảm hứng riêng. Dự án mà ở hiện tại anh tâm đắc nhất là dự án trường THCS Trần Duy Hưng. Mặc dù cũng có một số điểm về kĩ thuật anh thấy chưa được vẹn toàn lắm, nhưng về quy hoạch thì lại khá tốt so với vị trí khu vực và với xung quanh, tạo được nét khác biệt hơn hẳn so với những công trình chung cư che chắn xung quanh, đảm bảo công năng sử dụng cho học sinh.

Một buổi chiều thu mát, nếu được, em lên trên gác mái trường em sẽ cảm nhận được sự khác biệt so với những công trình “sắt thép” xung quanh, tạo được điểm nhìn rất đẹp.

Chi tiết nào anh thích nhất ở công trình trường THCS Trần Duy Hưng?

Chi tiết anh thích nhất là cây. Một điều đặc biệt nữa ở công trình này mà anh thích đó chính là hành lang chéo không cột. Nó không có một cái cột nào cả, em đi dọc thang từ tầng một lên tầng lên tầng gác mái cũng không bị cản bởi một cái cột nào cả, khá là thú vị.

Trong quá trình sáng tạo và làm nghề, thử thách lớn nhất khi thực hiện một dự án đối với anh là gì? Khi gặp áp lực trong công việc, anh thường làm cách nào để mình giải tỏa căng thẳng?

Thử thách lớn nhất đối với anh là về thời gian, tiến độ công việc. Bình thường các KTS hay bị nhắc về tiến độ (cười). Anh nghĩ bất kỳ KTS nào cũng mong muốn có thể làm được những công trình nhân văn, hữu ích cho gia chủ, cho xã hội, nhưng vì vấn đề thời gian nên người ta hay rút gọn các bước, các cách làm bị sai lệch đi, dẫn đến công trình không được như mong muốn ban đầu.

“Luôn đặt câu hỏi để tìm ra phương án tốt nhất”

Để cân bằng việc đó thì thường anh sẽ tranh thủ thời gian. Bắt tay vào làm một công trình, KTS cần đi khảo sát thực tế, dành thời gian ngẫm nghĩ nghiên cứu, tham khảo thực tế rất nhiều. Nhưng trong môi trường làm việc văn phòng thì quỹ thời gian khá hạn chế. Anh thường phải tranh thủ thời gian ngoài giờ, vừa đi chơi cùng gia đình, vừa nghiên cứu dự án. Ngẫm nghĩ về dự án, tìm câu trả lời cho phần thiếu sót của dự án.

Anh có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề KTS?

“Đừng mãi ngồi bàn giấy mà hãy đi thực tế, câu trả lời sẽ nằm ở thực tế cuộc sống.”

Ai theo nghề thì xác định là phải rất yêu nghề và kiên trì, nhất là những người làm concept. Đừng mãi ngồi bàn giấy mà hãy đi thực tế, câu trả lời sẽ nằm ở thực tế cuộc sống. Khi mình trăn trở vấn đề gì, mình cần trải nghiệm nhiều hơn, cởi mở để đón nhận, tiếp thu những điều mới. Vì xu hướng nằm ở thực tế cuộc sống. Mình phải đi để học hỏi được những xu hướng mới và biết được vì sao nó lại thành xu hướng.

KTS. Thành Đinh chụp ảnh cùng phòng Studio 1 và các bạn sinh viên thực tập

Liệu trong tương lai anh có muốn thay đổi điều gì trong phong cách thiết kế hay vẫn muốn tiếp tục theo đuổi phong cách thiết kế như bây giờ?

Như anh đã nói từ ban đầu, kiến trúc là một sản phẩm phục vụ con người, nên nó sẽ luôn thay đổi để phù hợp với cuộc sống.  Anh nghĩ thiết kế sẽ đi theo xu hướng của thời đại, nhưng vẫn sẽ giữ lại những yếu tố cốt lõi để không đi lệch hướng ban đầu.

Cảm ơn anh về buổi phỏng vấn hôm nay!