CÁC YÊU CẦU TRONG TỔ CHỨC THIẾT KẾ LỢP HỌC TRƯỜNG MẦM NON

Giáo dục bậc học mầm non có nhiều yêu cầu khác biệt lớn so với các bậc học lớp trên do đặc thù lứa tuổi học sinh còn nhỏ, năng lực tự bảo vệ bản thân là rất kém và công tác giáo dục đóng vai trò rất lớn ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của học sinh trong tương lai. Khác với các bậc học lớp trên, lớp học ở bậc tiểu học đóng vai trò là không gian quan trọng nhất trong kiến trúc trường học mầm non. Việc tổ chức thiết kế không gian lớp học đạt chuẩn sẽ không chỉ đảm bảo việc dạy –  học cho học sinh đơn thuần mà còn đảm bảo an toàn cả về sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần cho các học sinh nhỏ tuổi.

Là một trong những không gian sinh hoạt chủ yếu hàng ngày của trẻ, do đó không gian lớp học cần phải đảm báo các yếu tố thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên. Thể tích cũng như diện tích lớp học cần được thiết kế phù hợp với số lượng học sinh. Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3907:2011 thì diện tích lớp học cần đảm bảo từ 1.50 m2 – 1.80 m2/trẻ nhưng không được nhỏ hơn 24m2/phòng đối với nhóm nhà trẻ và 36 m2/phòng đối với lớp mẫu giáo. Bên cạnh đó, các phòng học nên có cửa sổ thông thoáng giúp tạo sự thoáng mát, dễ chịu cho các trẻ khi học tập và sinh hoạt. Các lớp học phải được thiết kế phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi: mẫu giáo nhỡ(4 – 5 tuổi), mẫu giáo bé (3 – 4 tuổi) với màu sắc sinh động, đa dạng giúp  khơi gợi khả năng quan sát và nhận biết cũng như khả năng sáng tạo, cũng như hình thành thói quen quan sát của trẻ. Nếu diện tích cho phép, khuyến khích bố trí mỗi lớp có khu kho riêng hoặc dùng chung 2 lớp để lưu cất những đồ hay dùng hàng ngày.

Các lớp học cần được bài trí khoa học, đầy đủ các công cụ dụng cụ học tập, hệ thống bàn ghế cần bố trí gọn gàng và ngăn nắp. Chiều cao bàn ghế cần được thiết kế phù với với chiều cao của trẻ. Ngoài ra đồ nội thất cần được thiết kế gọn gàng, sinh động tạo cảm hứng cho trẻ.

Do các điều kiện về kinh phí đầu tư xây dựng, diện tích xây dựng, thiết kế theo “lối mòn” nên việc thiết kế không gian lớp học bậc học hiện nay không có nhiều đổi mới, chủ yếu chỉ đáp ứng các tiêu chí tối thiểu, chưa tối ưu hóa về sử dụng không gian, tiết kiệm kinh phí đầu tư cũng hỗ trợ phát huy tối đa khả năng học tập, vui chơi, cũng như của trẻ. Thực tế bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, khi có nhiều thay đổi về phương pháp giáo dục mới như MONTESSORY, STEM…, cũng như gia tăng thêm các nhu cầu sử dụng, dẫn đến cần nghiên cứu đổi mới các giải pháp tổ chức không gian lớp học bậc mầm non phù hợp.

Lớp học giáo dục theo phương pháp Montessory bậc học mầm non

NHỮNG ƯU THẾ TỪ GIẢI PHÁP  TỔ CHỨC KHÔNG GIAN LỚP HỌC LINH HOẠT TRƯỜNG MẦM NON

Hiện nay, trong bối cảnh điều kiện xã hội có nhiều đổi mới về nhu cầu giáo dục và phương thức giáo dục, chương trình giáo dục, trường mầm non không đơn thuần chỉ là nơi học sinh học văn hóa mà còn là môi trường để các em rèn luyện thể lực, giao lưu – tiếp xúc với bạn bè, phát triển cá tính. Các chương trình học mới như ngoại ngữ, vui chơi khám phá đang được lồng ghép đưa vào giảng dạy chuyên nghiệp ngay ở lứa tuổi học sinh bậc mầm non.

Trên cơ sở một số dự án trường học mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác do công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam chủ trì tư vấn thiết kế, giải pháp bố trí tổ chức không gian theo mô hình linh hoạt đã mang lại hiệu quả nhiều mặt bởi khả năng tối ưu hóa về hiệu suất sử dụng không gian, tiết kiệm chi phí đầu tư, và đặc biệt là các ưu thế phù hợp đa dạng với nhiều hình thức học – chơi – khám phá của trẻ em.Với dự án tiêu biểu là Trường mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giải pháp bố trí lớp học linh hoạt đã giúp nâng cao đáng kể chất lượng giáo dục và hiệu quả sử dụng công trình.

 Thiết kế kiến trúc Trường mầm non Hoa Hướng Dương (Cầu Giấy, Hà Nội)

Lớp học Trường mầm non Hoa Hướng Dương được thiết kế tổ chức theo không gian hình vuông, khác biệt so với quan niệm thiết kế lớp học hình chữ nhật thông thường trước đây. Trước tiên, giải pháp thiết kế giúp giảm thiểu khoảng cách từ không gian phòng học chính tới các không gian phụ trợ như khu vệ sinh, kho để chăn đệm, hiên chơi… giúp giáo viên có thể đồng thời dễ dàng bao quát cũng như xử lý tình huống hỗ trợ khi có sự vụ xảy ra nhanh hơn so với kiểu bố trí hình chữ nhật truyền thống.

 Thiết kế mặt bằng phòng học điển hìnhTrường mầm non Hoa Hướng Dương (Cầu Giấy, Hà Nội)

 Mặt tường lớp học phía trước trang trí với kệ tủ để ba lô và giầy dép

Đồng thời thiết kế không gian lớp học linh hoạt cũng hỗ trợ tối đa giáo viên có thể dễ dàng thay đổi cách xắp xếp không gian nội thất tại các thời điểm khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng lớp học bởi khả năng cho phép bố trí nhiều dạng thức kê đồ nội thất so với thông thường (sắp xếp đa dạng theo hình tròn, vuông, theo nhóm linh hoạt theo hình thù của thiết bị dạy học và các loại đồ nội thất khác nhau), cũng như cho phép đáp ứng linh hoạt các chương trình giảng dạy mới.

Giải pháp này cũng cho phép dễ dàng di chuyển sắp xếp lại bàn ghế nội thất hoặc kê gọn về bốn góc tường nhanh chóng và thuận tiện, để dành không gian trung tâm lớp học cho nhu cầu không gian nghỉ trưa hoặc giao lưu tập thể đa dạng của học sinh tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.

Thiết kế không gian lớp học cũng tận dụng mặt thoáng từ hai phía để bố trí cửa sổ băng kính rộng đón ánh sáng tự nhiên tốt nhất, đảm bảo tốt cho thị lực của trẻ, đón gió lưu thông từ hai chiều tạo sự thông thoáng tự nhiên tối đa giảm thiểu việc sử dụng năng lượng chi chiếu sáng và thông gió nhân tạo. Cùng với đó, để phối hợp tăng cường khả năng giao lưu giữa học sinh các lớp, các hiên chơi được bố trí song song xen giữa hai lớp học. Qua đó, học sinh giữa hai lớp có thể giao lưu qua lan can ngăn cách an toàn, cũng như tăng cường khả năng thông gió tự nhiên xuyên phòng cho các không gian lớp học.

Một thiết kế lớp học không thể tuyệt vời hơn!

Kts Trịnh Trung Hiếu

Phó phòng kiến trúc 1, Công ty Liên doanh Sunjn Việt Nam

——————————————————-

Hà Nội, tháng 08/2020